Cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong đoạn trích Hai cây phong.
Với mỗi người, quê hương luôn là chốn thanh bình, là miền kí ức tươi đẹp, nơi ghi dấu bao kỉ niệm tuổi thơ. Nơi ấy có những hình ảnh gần gũi, giản dị nhưng luôn được khắc sâu trong tâm trí. Câu chuyện về người chiến sĩ Hồng quân, đoàn viên thanh niên cộng sản Đuy-sen - người thầy đầu tiên đã trồng hai cây phong nhỏ cùng cô bé An-tư-nai thuở trước. Để bốn chục năm sau, cô bé đã là một viện sĩ danh tiếng, còn Hai cây phong đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức làng quê của biết bao thế hệ dân làng Ku-ku-rêu.
Những kỉ niệm gắn bó với hai cây phong được kể lại theo hai mạch dẫn lồng vào nhau: mạch dẫn trực tiếp từ nhân vật tôi – người họa sĩ xa quê và cả một thế hệ chúng tôi – những đứa bé lớn lên cùng với sự trưởng của hai cây phong.
Hình ảnh hai cây phong trở thành biểu tượng cho quê hương với người họa sĩ. Bởi “dù ai đi từ phía nào đến làng Ku-ku-rêu cũng đều trông thấy hai cây phong đó trước tiên”. Còn đối với người họa sĩ mỗi khi trở về quê hương “đều coi bổn phận đầu tiên là từ xa đưa mắt tìm hai cây phong thân thuộc ấy”. Hình ảnh cây phong như trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người dân làng. Dù có biết bao loài cây xanh mát nhưng hai cây phong như ngọn hải đăng trên núi, chỉ dẫn cho mỗi người khi đến ngôi làng nhỏ xinh nơi chân núi. Nó như bóng mát trở che, như lời nhắc nhở mỗi đứa con xa nhà luôn nhớ con đường trở về về quê hương. Nó trở thành biểu tượng cho nỗi nhớ, cho những gì bình yên và thân thuộc nhất
Bằng tình yêu tha thiết với loài cây ấy, tác giả miêu tả hai cây phong vô cùng sinh động và đẹp đẽ. Dưới đôi mắt của người nghệ sĩ, cây phong còn có sự khác biệt vì tiếng nói và một tâm hồn êm dịu như những lời ca. Tiếng lá lay động tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau, khi dạt dào như làn sóng thủy triều dâng lên vỗ vào bãy cát, lúc lại thì thầm thiết tha hay thở dài một lượt như thương tiếc ai. Phải yêu tha thiết, hòa mình cùng với hơi thở của loài cây ấy, cậu bé đầy lòng trắc ẩn mới có thể lắng nghe những thanh âm xao động từ cỏ cây. Cậu coi đó như những người bạn có tâm hồn đa cảm. Những cảm nhận ấy trong tâm hồn đứa trẻ thật bình yên và thơ mộng. Và rồi khi lớn lên, cậu khám phá ra điều bí ẩn ấy thật đơn giản “chẳng qua chúng đứng trên đồi cao lộng gió”, nhưng điều đó cũng không làm cậu vỡ mộng xưa. Bởi những cảm nhận đó được phát hiện qua lăng kính hồn nhiên của một đứa trẻ, tạo thành một không gian cổ tích rất riêng và khiến người họa sĩ luôn trân trọng, gìn giữ.
Kỉ niệm gắn bó bên hai cây phong còn gắn với những kỉ niệm về thời học trò của lũ con trai tinh nghịch. Hai cây phong như người bạn, dang đôi tay rộng lớn của mình với những mắt mấu và cành cây để lũ trẻ bám vào. Và rồi, khi lên tới những cành cao ngất, chúng thấy được cả một không gian rộng lớn và mở ra một thế giới đẹp đẽ trong mắt trẻ thơ. Hai cây phong như bệ đỡ cho những đứa trẻ làng Ku-ku-rêu nghèo khó, đề từ đó chúng được thấy một thế giới rộng lớn ngoài ngôi làng, với nhiều điều mới lạ cần khám phá. Để rồi từ đây, những ước mơ và hoài bão của lũ trẻ được ươm mầm, nuôi dưỡng. Hai cây phong đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những đứa trẻ.
Và khi hưởng thụ những hạnh phúc ngọt ngào bên hai cây phong, có một câu hỏi mà lũ trẻ chưa hề nghĩ đến là ai đã trồng cây phong trên mảnh đất ấy và người vô danh ấy gửi gắm ước mơ gì khi vun xới chúng trên đỉnh đồi cao. Đó cũng là điều bình thường với những đứa trẻ hồn nhiên. Hai cây phong của người chiến sĩ Hồng quân, đoàn viên thanh niên cộng sản Đuy-sen đã cùng trồng với em bé khốn khổ An-tư-nai trong những ngày làng Ku-ku-rêu còn chìm đắm trong lạc hậu tối tăm và những hủ tục còn đè nặng trong đời sống dân làng những năm đầu sau cách mạng tháng Mười đã trở thành chứng nhân cho sự lớn khôn của bao thế hệ. Và dân làng với tất cả sự nhớ ơn người chiến sĩ thầm lặng, hi sinh cả tuổi thanh xuân để dựng xây mảnh đất nghèo khó này, họ đã đặt tên cho ngôi trường là “Trường Đuy-sen”. Và hai cây phong như hình ảnh người thầy vĩ đại, mãi chở che và bảo vệ cho những đứa học trò tinh nghịch, đáng yêu.
Hai cây phong đã để lại trong lòng người đọc những tâm tư, những tình cảm dịu dàng về làng quê yêu dấu và tuổi thơ êm đều của cậu bé làng Ku-ku-rêu. Qua đó chúng ta thấy được một tình yêu tha thiết với quê hương và tấm lòng biết ơn với người thầy đã ươm mầm xanh và gieo bao tri thức vào mảnh đất nghèo khó nơi đây.