Cảm nhận về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng.
Tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng và cao cả nhất trong trái tim mỗi người. Mỗi nhà thơ có những khám phá riêng khi viết về đề tài tình mẹ. Với Ta-go, một nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ, ông đã thể hiện tình cao quý ấy qua lăng kính của một cậu bé trong những câu chuyện kể về mẹ.
Nhà thơ lựa chọn điểm nhìn từ cậu bé là một cách kể rất thú vị và đậm chất hồn nhiên của trẻ thơ. Trong câu chuyện mây rủ cậu bé đi chơi xa, cậu khao khát được bay lên ngắm bình minh và vầng trăng trên trời cao.Nhưng khi nhận câu trả lời:”hãy đến tận cùng của trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Cậu đã nghĩ đến mẹ và nhận ra rằng không thể rời xa mẹ để theo đuổi thú vui của mình. Thay vào đó, là một trò chơi với mẹ “Con là mây và mẹ sẽ là trăng”. Như vậy, thay vì đi xa đến chân trời góc bể, người con đã lựa chọn ở lại bên mẹ và cùng mẹ khám phá về thiên nhiên trong mái nhà ấm áp hư trời cao xanh thẳm. Chỉ cần có mẹ, nơi ấy con có niềm vui và hạnh phúc.
Và rồi đứng trước biển cả rộng lớn, cậu muốn là con sóng, đi xa bờ và khám phá đại dương bao la. Nhưng cậu chợt nhận ra “buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà”. Đó không chỉ là tình yêu tha thiết dành cho đáng sinh thành, đó còn là trách nhiệm của cậu bé khi nhớ tới lời dặn của mẹ. Dù trong hoàn cảnh nào, em cũng luôn mong mẹ sẽ là vầng trăng dịu mát hay bến bờ để con có thể trở về trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Và để con có thể thủ thỉ mọi điều hay chỉ là những câu chuyện nhỏ, để được mẹ lắng nghe và sẻ chia tất cả. Hạnh phúc đôi khi bắt đầu từ những gì giản dị, gần gũi và thân thương đến thế.
Tác phẩm đã vẽ lên một bức tranh thật đẹp về tình mẫu tử. Tình yêu thương chân thành trong tâm hồn ngây thơ, bé dại của em luôn gắn liền hình bóng của mẹ dù ngoài kia là những cám dỗ, đam mê hấp dẫn đến nhường nào. Nhà văn cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một chân lí không thể thay đổi đó là không có thứ gì có thể thay đổi được tình mẫu tử, đó là tình cảm thiêng liêng và vĩnh hằng.