Cảm nhận về ba nhân vật trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi.
Đất nước đã trải qua hơn bốn ngàn năm gian khổ, có biết bao lớp người đã dũng cảm chiến đấu và hi sinh thân mình để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Với nhà văn Lê Minh Khuê, những cô gái thanh niên xung phong sáng lấp lánh như những ngôi sao xa trên bầu trời cao thẳm. Ở họ có nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ nhưng cũng đầy gan dạ, tinh thần dùng cảm chiến đấu dũng cảm của thế hệ thanh niên chống Mĩ cứu nước. Nhưng ở mỗi người lại có những nét riêng độc đáo, như những ngôi sao lấp lánh, sáng soi giữa cánh rừng Trường Sơn khốc liệt.
Truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" ra đời năm 1971 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Đây là một số tác phẩm đầu tay của chị, truyện kể về ba nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát phá bom trên một cao điểm Trường Sơn. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm tức là nơi tập trung nhất, bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. "Nơi ở của họ có biết bao thương tích" đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn, hai bên đường không có lá xanh chỉ có những thân cây bị tước khô cháy". Hoàn cảnh sống của ba nữ thanh niên xung phong gợi ra một không khí ảm đạm, cuộc sống ở nơi đây đang bị hủy diệt tàn khốc.
Thế nhưng, giữa tuyến lửa Trường Sơn, những cô gái như những bông hoa rừng chớm nở, tỏa ngát hương. Họ là những cô gái còn rất trẻ, lứa tuổi mười tám đôi mươi. Bỏ lại sau lưng quê hương và gia đình yêu dấu, họ lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc với một ý chí sắt son: vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Dù cuộc sống nơi chiến trường còn nhiều gian khổ, những hiểm nguy luôn rình rập sự sống của họ. Nhưng chính trong hoàn cảnh gian khổ ác liệt ấy, phẩm chất đáng quý ở các cô được bộc lộ rõ nét. Công việc hàng ngày của họ là phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình dưới con mắt “cú vọ của giặc Mĩ”. Sau mỗi trận bom rơi, họ phải nhanh chóng lao ra trọng điểm để đo khối lượng đất đá, san lấp mặt đường, đánh dấu vị trí những quả bom chưa nổ nếu cần thì phá bom. Đó là những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, vì chỉ một phút lơ là có thể phải đổi lấy tính mạng con người. Dù nhiệm vụ khó khăn như vậy nhưng các cô luôn cảm thấy đây là việc hết sức bình thường, thể hiện tinh thần dũng cả và kiên cường trong chiến đấu. Có bao nhiêu trái bom chưa nổ họ không cần ai giúp và phân công nhau phá cho hết "tôi một quả bom trên đồi, Nho hai quả bom dưới lòng đường, chị Thao một quả dưới chân cái hầm Barie cũ”. Đối mặt với hiểm nguy là vậy, các cô cũng nghĩ đến cái chết nhưng với họ quan trọng là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Như thế họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình. Qua đó ta thêm yêu, thêm khâm phục những cô gái tuy nhỏ bé nhưng có trái tim sắt đá, hi sinh hết mình cho công việc.
Không những vậy, ba cô gái còn có tình đồng đội gắn bó, thân thiết. Họ hiểu được tính tình, sở thích của nhau và quan tâm chăm sóc như chị em trong một gia đình. Qua chi tiết Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm. Khi Nho bị thương, Phương Định chăm sóc chu đáo "tôi bế Nho lên, rửa vết thương cho Nho bằng nước đun sôi, tiêm thuốc cho Nho" rồi pha sữa cho cô. Chị Thao nghẹn ngào và cuống cuồng lo cho em và cảm thấy “đau hơn người bị thương” Những hành động tuy giản dị, nhỏ bé đó nhưng sao thật đáng quý, nó sưởi ấm trái tim và tiếp thêm nghị lực, tinh thần chiến đấu cho những cô gái trẻ giữa rừng hoang tàn khốc
Cuộc sống chiến đấu dù gian khổ là thế nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Họ là những cô gái tràn đầy nhựa sống của tuổi trẻ, của những khát khao yêu thương. Đâu phải sắt hay đồng, họ có cuộc sống nội tâm phong phú, dễ xúc cảm và nhiều mơ ước. Phương Định thích ngắm nhìn mình trong gương, thường ngồi bó gối mộng mơ và hát, cô thích những bài dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Nho thích thêu thùa còn chị Thao chăm chép bài hát, say mê chép cả những lời bái hát tự bịa…. Giữa chiến trường khốc liệt, họ tự tìm những niềm vui rất con gái, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, để quên đi những hiện thực khốc liệt ngoài kia. Họ hồn nhiên như những đứa trẻ trước cơn mưa đá. Và trận mưa đã trở thành nỗi nhớ - sự nối dài quá khứ hôm qua và khát vọng mai sau. Những cảm xúc hồn nhiên như nguồn sống, điểm tựa, tiếp thêm cho họ nghĩ lực để ngày mai ra trận, vượt qua được những gian khó, hiểm nguy.
Thế hệ những cô gái xung phong cho ta thêm hiểu, thêm trân trọng về những đứa hoa tuổi đôi mươi rực rỡ, họ hồn nhiên, yêu đời nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu. Nhưng ở mỗi người, còn có những nét riêng, thể hiện cá tính độc đáo. Nho là cô gái trẻ trung xinh xắn, , “trông nó nhẹ, mát mẻ nhưmột que kem trắng”, cô “cái cổ tròn và những cúc áo nhỏ nhắn” rất dễ thương. Nho thích tắm suối dù biết khúc suối ấy đang có bom nổ chậm. Dù hồn nhiên là thế nhưng cô cũng rất kiên định trong chiến đấu. Khi bị thương, cô chịu đựng đau đớn vì không muốn đồng đội phải lo lắng. Chị Thao tổ trưởng, chị từng trải hơn các em nên trong chiến đấu chị vô cùng bình tĩnh để suy xét kĩ lưỡng, máy bay địch đến nhưng chị vẫn “móc bánh quy trong túi, thong thả nhai”. Gan dạ trước kẻ thù nhưng người con gái ấy lại vô cùng sợ máu, sợ vắt . Nhớ đến chị là những lần chị hát: giọng thì chua, hát không trôi chảy nhưng say mê chép lời bài hát. Ở chị còn là những khát khao, rung động yêu thương của tuổi trẻ “áo lót nào chị cũng thêu chỉ vàng”. Phương Định là cô gái lớn lên ở thành phố, cô từng có thời học sinh hồn nhiên và vô tư. Cô thường chăm chút ngoại hình của mình, thích hát, hay mộng mơ, tìm kiếm sự thú vị trong cuộc sống. Cô hay suy tư về những kỉ niệm ngọt ngào trong quá khứ, đó vừa là khát khao và cũng là động lực giúp cô vượt qua những gian khổ trong chiến đấu. Có thể nói đây là nét riêng rất độc đáo của người con gái Hà Nội, rất lãng mạn. và đáng yêu.
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, tác giả đã làm nổi bật những tính cách, cá tính của ba nữ thanh niên xung phong trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Họ mang trong mình những cá tính riêng nhưng đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trở thành những anh hùng –những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời Trường Sơn.