Cảm nhận cảnh thiên nhiên về mùa xuân qua 4 câu thơ đầu trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.
Mùa xuân luôn là chủ đề mang lại nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Ngày xuân trong Truyện Kiều được được Nguyễn Du miêu tả với những hình ảnh chọn lọc, tinh tế:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cánh én báo hiệu mùa xuân đang chao liệng trên bầu trời tự do, thanh bình, gợi ra một không gian tươi tắn, ngập tràn ánh xuân. Đồng thời, nhà thơ cũng ngỏ ý ngày xuân qua nhanh quá như “con én đưa thoi”, chín mươi ngày xuân mà nay “đã ngoài sáu mươi”. Từ bầu trời trên cao, tác giả đã trở về với chiều rộng trải ra trước mắt, một khoảng không gian bao la được bao trùm bởi sắc xanh của cỏ cây:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Đó là màu xanh nhạt của cỏ non tươi mới hòa cùng màu lam trong sáng của nền trời buổi chiều xuân làm thành gam nền cho bức tranh, trên đó điểm xuyết những đốm trắng hoa lê. Bức tranh dung hoà những sắc độ lạnh mà bên trong vẫn rạo rực sức sống tươi mới của mùa xuân. Chữ “trắng” đảo lên trước tạo thành điểm nhấn, sự mới mẻ, tinh khôi, thanh khiết như kết tinh những tinh hoa của trời đất. Chữ “điểm” gợi bàn tay người hoạ sĩ vẽ nên thơ nên hoa, bàn tay tạo hoá tô điểm cho cảnh xuân tươi, làm bức tranh trở nên có hồn, sống động. Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Du đã mượn ý thơ trong hai câu thơ của Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích - Lê chi sổ điểm hoa”. Câu thơ cổ sử dụng hình ảnh “Phương thảo” là cỏ thơm, thiên nhiên được cảm nhận qua khứu giác, còn trong thơ của Nguyễn Du thay bằng “cỏ xanh” thiên về màu sắc và cảm nhận qua đôi mắt người thi sĩ.
Chỉ với bốn câu thơ nhưng một không gian xuân như được trải rộng trước mắt người đọc, gợi lên một không khí tươi mới, mát mẻ, sáng trong, tinh khiết. Qua đó, ta thấy được nét tài hoa của thi nhân, khi tác giả khéo léo chắt lọc ngôn ngữ giàu chất tạo hình, gợi tả. Phải là một người gắn bó tha thiết với thiên nhiên, Nguyễn Du mới có được những quan sát tinh tế đến như vậy.