Con người ai cũng muốn sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để làm được như vậy, mỗi người cần phải biết tự hoàn thiện bản thân. Vậy hoàn thiện như thế nào chúng ta cùng đến với bài học cuối cùng của môn giáo dục công dân lớp 10 bài " tự hoàn thiện bản thân"..
A. Kiến thức trọng tâm
1. Thế nào là tự nhận thức về bản thân
- Tự nhận thức về bản thân là biết nhìn nhận, đánh giá về khả năng, thái độ, hành vi, việc làm, điểm mạnh, điểm yếu…của bản thân
- Không ai giống nhau hoàn toàn, mỗi người đều có bản sắc riêng với những tiềm năng, sở thích thói quen, đểm mạnh điểm yếu riêng. Hơn nữa không ai hoàn thiện, hoàn mĩ và cũng không ai chỉ toàn nhược điểm.
- Để ngày càng tiến bộ cần:
- Tự tin vào bản thân, quý trọng bản thân, đừng mặc cảm, tự ti với bản thân
- Cần phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế điểm yếu.
2. Tự hoàn thiện bản thân
- Tự hoàn thiện bản thân là vượt lên khó khăn, trở ngại, không ngừng lao động, học tập, tư dưỡng rèn luyện.
- Phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay điểm tốt của người khác để bản thân ngày càng một tốt hơn, tiến bộ hơn.
- Vì sao tự hoàn thiện bản thân?
- Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm hạn chế riêng
- Xã hội ngày càng phát triển, do đó, việc bản thân tự hoàn thiện mình là tất yếu để đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
- Tự hoàn thiện mình là phẩm chất quan trọng của thanh thiếu niên giúp cho cá nhân, gia đình và cộng đồng ngày càng tiến bộ.
3. Tự hoàn thiện bản thân như thế nào?
a. Yêu cầu chung
- Mỗi người đều có quyền phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để tự hoàn thiện mình theo các giá trị đạo đức.
- Có quyền được nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, nhà trường, bạn vè, xã hội để thực hiện mục tiêu tự hoàn thiện bản thân.
b. Học sinh cần làm gì?
- Tự nhận thức đúng bản thân
- Có kế hoạch phấn đấu, rèn luyện
- Xác định rõ những biện pháp cần thực hiện
- Xác định những thuận lợi, khó khăn, quyết tâm thực hiện
- Biết tìm sự giúp đỡ của những người tin cậy
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Câu 1: Thế nào là hoàn thiện bản thân? Vì sao phải tự hoàn thiện bản thân?
Câu 2: Em có suy nghĩ gì sau khi đọc mẩu chuyện dưới đây:
Thủa đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một lần có bà cụ hàng xóm gặp một việc oan uổng nhờ Cao Bá Quát viết giúp cho lá đơn kêu quan. Cao Bá Quát vui vẻ nhận lời.
Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên chí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Từ đó, ông dốc sức luyện chữ sao cho đẹp.
Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chứ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang giấy mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi tiếng khắp nước là người văn hay chữ tốt.
Câu 3: Em tán thành hay không tán thành các ý kiến sau? Tại sao?
a. Chỉ những người “có vấn đề” về đạo đức mới cần tự hoàn thiện bản thân.
b. Tự hoàn thiện bản thân là việc làm cần thiết nhưng không dễ dàng.
c. Tự hoàn thiện bản thân không phải là làm mất đi bản sắc riêng của mình.
d. Để tự hoàn thiện bản thân, điều quan trọng nhất là phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người xung quanh.
Câu 4: Em hãy lập kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để tự hoàn thiện bản thân theo các mục sau:
- Mục tiêu phấn đấu, rèn luyện tự hoàn thiện bản thân của em.
- Thời gian thực hiện mục tiêu.
- Những thuận lợi em đã có.
- Những khó khăn em có thể gặp phải và cách khắc phục, vượt qua những khó khăn đó.
- Những biện pháp em cần làm để thực hiện mục tiêu.
- Em có thể tìm được sự hỗ trợ, giúp đỡ của ai để hoàn thành mục tiêu.