Mỗi người đều có tổ quốc của mình. Việt Nam là tổ quốc của chúng ta. Là những công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta cần phải có trách nhiệm như thế nào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình? Cùng tìm hiểu qua bài học " công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc"..
A. Kiến thức trọng tâm
1. Lòng yêu nước
a. Lòng yêu nước là gì?
- Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của tổ quốc.
- Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất. Từ tình cảm gắn bó với hàng xóm, quê hương và được nâng lên thành lòng yêu nước.
b. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam
- Yêu nước là một truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của hàng loạt các giá trị truyền thống khác.
- Biểu hiện:
- Tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước
- Tình yêu thương đối với đồng bào, nòi giống, dân tộc
- Lòng tự hào dân tộc chính đáng
- Đoàn kết, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm
- Cần cù và sáng tạo trong lao động.
2. Trách nhiệm xây dựng tổ quốc
- Chăm chỉ, sáng tạo trong học tập, lao động
- Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong, sống trong sáng, lành mạnh, tránh các tệ nạn xã hội.
- Quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội của địa phương của đất nước.
- Tích cực tham gia bằng việc góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực , phù hợp với khả năng.
- Biết phê phán, đấu tranh với những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
3. Trách nhiệm bảo vệ tổ quốc
- Trung thành với tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tích cực học tập, rèn luyện thân thể , giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe.
- Tham gia đăng kí nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi, sẵn sàng lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
- Tích cực tham gia các hoạt động an ninh quốc phòng ở địa phương, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
- Vận động bạn bè, người thân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Câu 1: Thế nào là lòng yêu nước? Em nghĩ gì về truyền thống yêu nước của dân tộc ta?
Câu 2: Xử lí tình huống:
a. Anh trai Hùng có giấy gọi nhập ngũ. Bố mẹ Hùng không muốn cho con đi nên đã bàn nhau tìm cách xin cho anh ở lại.
Theo em, Hùng nên làm gì khi biết ý định của bố mẹ? Vì sao?
b. Thanh được địa phương cử và cấp kinh phí cho đi học để sau này trở về phục vụ quê hương. Nhưng sau khi học xong, Thanh đã tìm mọi cách để được ở lại thành phố.
Nếu là bạn của Thanh, em có thể làm gì?
c. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tiến muốn theo học và phát triển nghề truyền thống của gia đình, dòng họ mình mà bạn có năng khiếu và rất yêu thích nó. Song, nhiều bạn bè cho rằng, Tiến làm như vậy là không có tương lai, thanh niên phải theo học những ngành khoa học – kĩ thuật hiện đại mới là phù hợp.
Nếu là Tiến, em sẽ làm gì?
Câu 3: Hãy tìm hiểu về các hoạt động, các phong trào xây dựng quê hương của học sinh trường em, của thanh niên ở địa phương em.
Câu 4: Hãy tìm hiểu về những hoạt động góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở địa phương em (ví dụ: Tình hình thực hiện nghĩa vụ quân sự ở địa phương, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội neo đơn, gia đình có công với cách mạng của trường, của địa phương; gương chiến đấu, hi sinh để bảo vệ tổ quốc của các thương binh, liệt sĩ, chiến sĩ,... người địa phương; các hoạt động của đội dân phòng, tổ an ninh địa phương,...)