Học thêm hiện nay đối với nhiều bạn học sinh đã là vấn đề rất cần được quan tâm. Nhiều phụ huynh tỏ ra lo âu thời gian học trên trường về nhà lại còn phải học thêm các con không có thời gian sinh hoạt, thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội.
Nếu thời gian quay trở lại, em sẽ không bao giờ học thêm ở phổ thông
Chạy theo số điểm, chạy theo thành tích học từ các bé lớp 1 đến lớp 12 điều này biến các bé trở thành nạn nhân phụ huynh mất tiền, học sinh mất đi thời gian vui chơi, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội,…
Trao đổi nhiều bạn sinh viên ra trường đi làm giải đáp, việc học thêm chỉ tốn nhiều thời gian, tốn tiền không mang lại nhiều kiến thức mà chỉ để giải trước đáp án mang đến số điểm đẹp trong quá trình làm bài kiểm tra, thi.
Việc học thêm tốn khá nhiều thời gian, mỗi một chiếm đến 2 giờ đồng hồ, nếu ngày học trên trường và dành 2 môn học thêm thì chiếm tất cả thời gian trong ngày, cơ thể trở nên mệt mỏi không có thời gian nghỉ ngơi ôn bài cũ.
Theo thống kê gần như đến 70% học sinh học thêm từ lớp 6-9, một số em do học thêm, điểm học bạ lớp 9 rất cao, xếp loại khá, giỏi nhưng khi thi tuyển lớp 10 vẫn trượt trường công lập.
Người viết, cũng tiếp xúc nhiều em, khi còn nhỏ tỏ ra thông minh nhưng học không đúng hướng, kết quả phổ thông toàn được học sinh giỏi nhưng lạm dụng học thêm nên đuối dần, không còn duy trì phong độ, không đạt được các trường đại học mơ ước.
Báo chí cũng phản ánh học sinh kiệt sức vì học thêm quá mức, lạm dụng học thêm mất đi khả năng tự học, sáng tạo.
Khi các em trưởng thành, suy nghĩ chín chắn hơn, nhiều em tỏ ra tiếc nuối về thời gian, công sức và tiền bạc mà bản thân và gia đình đã mất do học thêm, cùng chung mong muốn việc quản lý dạy thêm, học thêm được chặt chẽ hơn.
Đã đến lúc, cần ban hành quy định cụ thể, rõ ràng về dạy thêm, học thêm
Để việc dạy thêm, học thêm đi vào nền nếp, thực chất rất cần thiết phải ban hành quy định dạy thêm, học thêm cụ thể, chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như phân cấp, phân quyền quản lý dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, khi ban hành Thông tư mới quy định về dạy thêm học thêm thay thế Thông tư 17, nên quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:
Không được dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày;
Không được dạy thêm học sinh chính khóa, Thông tư 17 quy định giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa khi hiệu trưởng đồng ý. Người viết kiến nghị cần cấm dạy thêm học sinh chính khóa, dạy thêm học sinh chính khóa là nguyên nhân gây nhiều bất cập của dạy thêm học thêm, méo mó môi trường giáo dục,..
Về thời gian, nên quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh trước 6 giờ và sau 20 giờ, không được dạy thêm lúc 11-13h, 16-17h30 vì đây vào các khoảng thời gian để các em nghỉ ngơi, tham gia thể dục thể thao, phong trào khác.
Giáo viên hay than thở công việc nhiều, giao công việc thực hiện chậm trễ nhưng lại dành thời gian dạy thêm quá nhiều.
Quy định hiện nay, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần, ngoài thời gian trên còn phải tham gia các công việc khác như soạn bài, chấm bài, hội họp, bồi dưỡng thường xuyên, các phong trào,…nếu dạy thêm quá mức sẽ không khoa học, vắt kiệt sức giáo viên, nên người viết cho rằng nên quy định cụ thể giáo viên được dạy tối đa 12 tiết /tuần (tối đa 3 nhóm, mỗi nhóm tối đa 4 tiết/tuần).
Giáo viên đã dạy 17 – 19 tiết/tuần, quy định được dạy thêm tối đa 12 tiết/tuần là phù hợp với thực trạng dạy học, thời gian, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ở bậc tiểu học đã cấm dạy thêm nhưng các câu lạc bộ núp bóng dạy thêm thu tiền lại xuất hiện dày đặc, vắt kiệt sức học trò, kiệt sức phụ huynh.
Việc chạy theo thành tích số điểm của nhiều học sinh cần phải thay đổi, hãy tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh, hướng theo quan điểm chỉ đạo "Học thật" theo chỉ đạo mà Thủ tướng đề ra.