Bài viết tập làm văn số 2 - ngữ văn lớp 9 đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó. Sau đây, tracnghiem.vn gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo..

[toc:ul]

Dàn bài chi tiết cho đề

Đầu thư:

  • Thời gian, địa điểm viết thư.
  • Lời chào gửi đầu thư.
  • Lí do viết thư.

Nội dung bức thư:

  • Hỏi thăm tình hình trong những năm qua ( học tập, cuộc sống, công tác của bạn và một số bạn khác trong lớp ).
  • Giới thiệu về hoàn cảnh hiện tại của bản thân ( công việc, gia đình…)
  • Kể lại tình huống về thăm trường:
    • Lí do về thăm trường cũ ( đi ngang qua, có chủ định về thăm…)
    • Thời gian ( mùa hè); đi một mình hay đi với ai?
    • Tâm trạng trước khi về thăm ( nếu là chủ định ): bồi hồi, xúc động, hồi hộp…
  • Quang cảnh ngôi trường khi đếm thăm:
    • Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy trường.
    • Cảnh vật, thiên nhiên, sự thay đổi của cảnh vật ( hàng cây, cổng trường…)
    • Quang cảnh ngôi trường khi đến thăm: miêu tả đôi nét về ngôi trường ( các dãy nhà, các phòng học, phòng chức năng, cơ sở vật chất của trường…)
    • Cảnh vật gợi nhớ đến những hình ảnh xưa của bạn bè, thầy cô ( những kỉ niệm buồn, vui của tuổi học trò…)
  • Kể lại những cuộc gặp gỡ: đã gặp ai ( thầy cô, bạn bè…)? Nói chuyện gì? (tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong quá khứ…)? Cảm nghĩ sau buổi trò chuyện?
  • Kết thúc buổi thăm trường: cảm xúc về buổi thăm trường; những suy tưởng; tình cảm; những động lực thúc đẩy bản thân trong tương lai…

Cuối thư:

  • Lời chào, lời chúc và lời hứa hẹn.
  • Ký tên.

Bài mẫu 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Hà Nội, ngày......tháng......năm.......

Như thân mến!

Đã lâu lắm rồi, bây giờ tớ mới có thể ngồi đây và viết thư cho cậu.

Dạo này, cậu vẫn khỏe chứ? Cuộc sống hiện nay của cậu thế nào? Chúng mình đã gắn bó với nhau bao năm, giờ cậu đi xa, tớ nhớ cậu nhiều lắm. Tuy chúng ta đã trưởng thành, đã lớn lên, biết tự đứng trên đôi chân của chính mình, nhưng tớ vẫn không sao quên được những kỷ niệm của tuổi học trò ngây thơ đáng yêu. Cậu có cho tớ là dở hơi không khi giờ sắp trở thành một bà già mà vẫn mộng mơ như tuổi 18 …

Cậu biết không, hè vừa rồi, tớ vừa về thăm ngôi trường cũ đấy. Mới đó thôi mà chúng mình đã xa nó hơn 20 năm rồi còn gì. Không hiểu sao, lúc đến gần trường tớ cảm thấy hồi hộp đến kì lạ. Đôi tay tớ run run và đôi chân thì bỗng như khựng lại, không thể bước tiếp dù chỉ là một đoạn ngắn để tiến sát ngôi trường hơn. Tớ cảm giác như mình đang sống lại những ngày đầu tiên vào cấp II. Tớ và cậu, hai đứa cứ nắm chặt lấy tay nhau mà kinh ngạc trước vẻ đẹp đến “lung linh” của ngôi trường mới. Đường đi vào trường là hai hàng cây xà cừ xanh rợp bóng mát. Bên trong là hai dãy lớp ở hai bên. Giữ sân, tớ nhớ lúc ấy là kì đài, hai bên còn có hai cây thông và các khóm hoa hồng, hoa cúc được trồng theo hàng thẳng tắp. Đằng sau là phòng hội đồng, phía sau nữa là khu nhà tập thể cho các cô giáo, thầy giáo ở. Kế bên trường còn có một cái ao rộng lắm. Cứ mỗi lần mưa to, nước ao tràn lên, ngập cả cổng trường, chúng mình phải lội bì bõm …

Sau hai mươi năm, ngôi trường giờ không còn chật hẹp và nhỏ bé nữa. Không còn cái cảnh học sinh chạy nhảy chơi đùa mà bụi đất cứ mù lên hòa vào nắng đỏ úa của buổi chiều hôm. Trường THCS Đoàn Thị Điểm giờ đã có đến bốn dãy nhà hai tầng. Có những cây long não to và đẹp lắm Như ạ, khéo phỉa đến hai người ôm đấy chứ. Tớ cảm thấy thật sự bất ngờ về sự thay đổi đó. Nhưng cũng phải thôi, đã hai mươi năm rồi còn gì. Chẳng lẽ, ngôi trường cứ cũ kĩ và nhỏ bé mãi hay sao.

Tớ đã đi hỏi thăm và được biết: thầy Thắng, thầy Quang, cô Hòa, cô Hải, cô Minh đều đã về hưu cả. Chắc cô Minh tóc đã bạc trắng cả đầu. Chẳng biết, cô có còn nhớ những đứa học sinh khóa bọn mình không. Những học trò ngịch ngợm khiến cho cô phải than phiền nhiều. Cậu còn nhớ không, hồi ấy lớp chúng mình hay quậy phá nhất trường, luôn là tâm điểm của đủ mọi trò nghịch ngợm. Ấy vậy mà sang năm cuối cấp, mặt đứa nào cũng đầy những lo âu, cố cười, cố nói để quên đi những giờ phút cuối cùng ấy. Rồi đến buổi liên hoan chia tay, chẳng đứa nào nói ra nhưng tớ biết bọn nó đang mếu máo và muốn khóc nhiều lắm. Bốn năm gắn bó với trường, với lớp, với bạn bè, thầy cô, bảo sao mà không nhớ, không thương được chứ. Những trang lưu bút cứ truyền tay nhau không dứt. Những trang nhật ký lớp cười đến rụng răng mà bây giờ cũng đã trở thành kỉ niệm. Chao ôi! Cái thời ấy sao bọn mình ngây thơ và trong sáng thế. Nỗi buồn của tuổi học trò, niềm vui của học trò là những ngôi sao xa trên bầu trời xanh thẳm, luôn ánh lên vẻ đẹp lung linh vĩnh hằng …

Tớ bước chân vào trường mà thấy cảm thấy ấm áp thân thương kì lạ. Chỗ này đây, trước kia là nơi bọn mình hay chơi nhảy dây, chỗ kia chơi đuổi bắt, đánh cỏ gà … Tớ vẫn còn nhớ câu của cậu viết trong lưu bút: “ Tuổi học sinh lung linh và nhiều màu sắc như bong bóng xà phòng. Nó đẹp thật đấy nhưng lại dễ vỡ đến vô cùng”. Đúng vậy, nhưng tớ sẽ không để những kỉ niệm ấy tan biến như bong bóng đâu, tớ sẽ mãi giữ gìn nó như một viên ngọc lung linh và đẹp đẽ nhất của một đời người.

Trong thư, tớ có gửi kèm cho cậu một tấm ảnh về ngôi trường sau 20 năm. Mong rằng, khi nhìn thấy tấm ảnh, cậu sẽ tưởng tượng ra được những sự thay đổi của ngôi trường thân yêu ngày nào.

Thôi, có lẽ tớ cũng chỉ viết đến đây thôi, cậu nhớ viết thư cho tớ nhé, tớ sẽ đợi. Tớ muốn biết xem, cậu nghĩ gì về ngôi trường cũ của chúng mình sau bao năm thay đổi. Tạm biệt cậu!

Thân ái!

Trà Ngọc

Bài mẫu 2: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Huế, ngày ... tháng .... năm......

Hà My thân mến!

Cũng đã gần một năm nay tụi mình không liên lạc gì với nhau nhỉ! Kể từ cái ngày mình vào Hà Nội thăm Ngân năm ngoái. Hà My và bé Thủy vẫn khỏe chứ? Dạo này công việc có thuận lợi không? Thủy học vẫn giỏi như dạo trước ha! Còn mình thì vẫn khỏe thường.

Chắc Hà My đang thắc mắc là tại sao mình lại ở Huế để viết bức thư này đúng không? Thật trùng hợp và bất ngờ Hà My ạ! Sau mấy năm học Đại học và làm việc ở nơi đất khách quê người, mình trở lại làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế - tại quê hương thân yêu.

Quê mình nay đẹp lắm Hà My à! Mình ngồi trên xe buýt về thăm lại ngôi trường cấp II xưa kia chúng ta đã từng học. Những chuyến xe buýt chạy thường xuyên hơn, con đường nhựa trải rộng lắm! Trường hiện ra lấp ló dưới những bóng cây um tùm. Dòng chữ " Trường Trung học cơ sở Đặng Tất" được in đậm hiện ra trước mắt mình làm mình thật bất ngờ.

Bước xuống xe, mình có cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thân quen. Trường không chỉ được đổi tên mà cơ sở vật chất cũng đã được cải thiện rõ rệt, duy chỉ có những bóng bàng, bóng phượng xum xuê râm mát là vẫn như ngày nào...

Hà My còn nhớ không? Dãy phòng học dành cho khối 8-9 ngày xưa vào mùa mưa bao giờ phòng cũng bị " giột", nước mưa chảy xuống ướt đẫm cả bàn ghế, thế nhưng cô thầy giảng bài thì vẫn hăng say còn bọn nhóc chúng mình thì chổng tai nghe chăm chú lắm! Thế mà giờ đây, dãy phòng đã được thay đổi. Từ những phòng học "liêu xiêu lụp xụp đó" đã biến thành dãy lầu 3 tầng với trang thiết bị hiện đại: nào là đèn điện chiếu sáng đến từng góc phòng, điều hòa, rồi thì máy chiếu, bảng tính thông minh,... Mà ngày xưa, tụi mình chả thích học máy chiếu quá còn gì!

Dãy lầu 2 tầng ODA dành cho giáo viên nay đã thành 5 tầng. Thư viện cũng được mở rộng gấp mấy lần lúc trước với đủ các đầu sách, lại còn mở cửa 24/24 nữa cơ!

Men theo sân trường im ắng rợp bóng cây xanh, vì đang mùa nghỉ hè nên chẳng có tiếng tụi trẻ con nô đùa, thỉnh thoảng chỉ vâng lên tiếng chim hát ca và tiếng ve rì rào trong vòm lá, mình vào phòng của thầy cô, căn phòng mới đẹp đẽ làm sao! Mình nhìn thấy các thầy cô cũ, tóc thầy cô đã bạc màu, giọng nói vẫn ấm áp như xưa nhưng chậm hơn.

- Ly Na đó hả em? Em có nhận ra cô không?

Tới lúc đó, mắt của mình đã cay cay, có cái gì đó chắn họng lại làm mình không trả lời được câu hỏi của cô. Vẻ đẹp trẻ trung, năng động của cô Thư ngày xưa được thay thế bằng vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm hơn. Cũng đã 20 năm trôi qua rồi mình mới lại được gặp cô, được nghe cô gọi " em" như thế. Đã ở tuổi 35 nhưng đứng trước dáng hình gầy gò của cô, mình như quay trở lại làm cô nhóc 15 tuổi. Qua lời kể của cô, mình biết một vài thầy cô dạy mình trước kia đã nghỉ hưu và một vài người thì không còn nữa...

Có lẽ là vì về thăm trường vào những ngày hè nắng oi ả, ánh nắng chói chang len lỏi qua từng vòm lá, luồn qua các khe cửa làm mình nhớ lại những kỉ niệm năm cuối cấp, mùa hè chia tay... Ôi! Cái tuổi thơ tươi đẹp lại ùa về trong tâm trí mình. Mình nhớ cái ngày cả lớp không kể nam nữ, chạy ra giữa sân trường nắng gắt để đá bóng bị thầy hiệu trưởng mắng cho một trận, thế mà đứa nào đứa nấy vẫn tươi cười khi vào lớp; mình nhớ cái buổi liên hoan chia tay, con gái tất bật nấu nướng, con trai thì bận rộn với bàn ghế, chén bát, lúc đó vui vẻ cười nói mà sao lúc sau đứa con gái nào cũng ôm nhau mà nức nở, còn mấy chàng trai lớp mình mắt cũng rơm rớm...

Viết đến đây mà sao mình thấy nhớ mấy "tiểu thư" và " siêu quậy lớp 9/1 ngày xưa quá Hà My à! Giờ thì mỗi đứa một ngã rồi còn gì! Đấy! Nước mắt mình lại chảy này, đúng là mình vẫn " mít ướt" như ngày xưa thôi!

Trong thư mình có gửi kèm ảnh mình chụp ở trường với thầy cô cũ và những dòng nhắn nhủ của cô thầy tới Hà My đó! Thư chưa dài nhưng có lẽ mình xin dừng bút tại đây. À ! Ngân khi nào có dịp về thăm trường cũ nhé! Đưa theo cả bé Thủy nữa nha! Mình là mình nhớ con bé lắm đó! Lúc đó, nếu bé Thủy nhà Ngân có hỏi " đây là đâu hả mẹ?" thì hãy trả lời rằng " Đây là nơi đã chắp cánh ước mơ, hoài bão của mẹ, là nơi đã khiến mẹ theo sự nghiệp " gõ đầu trẻ" - một nghề nghiệp đáng quý.

Tạm biệt cậu!

Ly Na

Bài mẫu 3: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Hà Nội, ngày.....tháng....năm......

Anh Thư thân mến!

Có lẽ thật đường đột khi mình lại viết thư cho bạn. Dao này công việc của bạn có ổn định không? Gia đình bạn thế nào? từ khi bạn chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, chúng mình vẫn chưa gặp lại nhau, mình nhớ bạn nhiều. Bây giờ mình đang sinh sống ở Hà Nội, đã lập gia đình và có hai cháu nhỏ rồi. Hôm nay mình về thăm bố mẹ và đã ghé thăm trường cấp hai mình đã học đấy.

Thời gian trôi nhanh và không bao giờ đợi ai và cũng chẳng ai níu kéo được thời gain dừng lại phải không Anh Thư? khi đứng trước ngôi trường chứa bao kỉ niệm ngọt ngào của tuổi học trò ngây ngô, mình lại thấy bồi hồi xúc động, mình như quay về là cô học trò nhỏ bé của 20 năm trước.

Hôm nay là một buổi sáng mùa hè trong xanh, không khí trong lành và nắng còn chưa gắt, mình bước vào cổng trường cấp hai quen thuộc và thấy thật ngạc nhiên. Trường mình thay đổi nhiều quá, cổng trường được xây dựng cao hơn, to hơn hồi bọn mình còn học ở đấy, những cây bằng lăng gầy gò ốm yếu nay đã vươn cao, cành lá xum xuê và đang thời kỳ trổ hoa, khi nhìn cảnh cửa mở ra như chào đón mình trở về bỗng nhiên mình lại nhớ về cảnh tan trường, học sinh ra về như vỡ tổ, bây giờ cổng trường to hơn rồi chắc không còn cảnh tượng ấy nữa, tự nhiên mình mỉm cười khi nghĩ lại thời học sinh,. Bước vào sân trường, bao cảm xúc, kỉ niệm lại ùa về, trường mình thay đổi nhiều quá, cái sân bê tông trũng cứ mùa lũ là ngập giờ đã thay bằng gạch đỏ, lát từng ô ngay ngắn, bằng phẳng và được nâng cao hơn. Những cây bàng, cây phượng đu đưa trong gió như gợi nhớ về những kỉ niệm đã xa.

Anh Thư à! những khu lớp học cũng đã khang trang hơn, có khu được xây mới, trước kia trường chỉ có bốn khu chính giờ trường đã quy hoạch có sáu khi, thêm khu nhà đa năng và khu để thực hành hóa, lý, sinh và phòng máy chiếu riêng nữa, trường mình giờ còn xây cả bể bơi nữa đấy, xây ở khu đất trống trước kia mọc đầy cỏ lau đó, vườn sinh vật cũng đầy đủ loài sinh vật hơn, phong phú hơn. Mình đã ghé thăm lớp 9A cũ của chúng mình nữa đấy, mình còn vào chỗ ngồi của mình năm xưa, lớp học giờ đã khác nhiều, nhiều bàn ghế mới, bảng mới còn trang bị thêm ti vi nữa. Tuy khác biệt là vậy nhưng hình ảnh thân thuộc vẫn như còn mãi. 

Anh Thư ơi! mình còn nhớ lắm hình ảnh tập thể lớp ngồi yên ăng nghe giảng, nhưng chỉ được vài phút là nhao nhao nói chuyện, mình nhớ những buổi kiểm tra căng thẳng, nhớ những tiếng cười hồn nhiên và cả giọng nói ấm ấp của thầy cô khi giảng bài, đang miên man với những kỉ niệm thì ba tiếng trống báo hiệu giờ truy bài vang lên kéo mình quay về hiện tại. Ôi! tiếng trống thân thương, tiếng trống đi cùng tuổi học trò ngây thơ của mình suốt bốn năm, tiếng trống gợi lại bao nhiêu kỉ niệm  về thời học trò đùa nghịch, chạy nhảy trên sân trường. Lúc này trên sân, học sinh ùa vào lớ, màu áo trắng tinh khôi trong sáng ấy hình như đi sâu vào tâm trí mình rồi Anh Thư à!

Ngoài sân bỗng chợt mình nhìn thấy hình bóng quen thuộc đang tiếng về phía mình, mình bật khóc, bao cảm xúc ẩn chứa bấy lâu nay đều tràn ra qua hàng nước mắt. Anh Thư có biết mình đã gặp ai không? Mình đã gặp cô Mai, cô giáo dạy văn hồi lớp 9 và dạy công dân suốt bốn năm mình học trung học đấy, mình chạy ra nắm tay cô, cả hai cô trò đều xúc động. Sau bao năm cô vẫn nhận ra mình, cô giờ hơn năm mươi tuổi rồi, tóc đã điểm bạc thế nhưng cô vẫn tâm huyết vơi nghề, vẫn yêu thương học sinh như ngày nào, hai cô trò hàn huyên rất nhiều chuyện, cô hỏi thăm công việc và cuộc sống của mình, cô còn hỏi mình có liên lạc với các bạn trong lớp không, giờ chắc các trò của cô thành đạt hết rồi nhỉ? Cô vẫn rất quan tâm tới các học sinh của cô, vẫn gương mặt hiền hậu, giọng văn truyền cảm.

Nhưng nhanh thật, 30 phút ra chơi ra trôi qua mình chào cô ra về nhưng trong lòng vẫn xúc động.

Thôi, thư đã dài rồi, mình chúc Nhung và gia đình mạnh khỏe, may mắn và thành công, đọc thư nhớ liên lạc với mình nhé! Hẹn ngày học lớp sẽ gặp lại cậu!

Thân ái!

Quỳnh Phương

Bài mẫu 4: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Hải Dương, ngày... tháng... năm

Tường Vi thân!

Chưa bao giờ nghĩ đến bạn mà mình thấy bồi hồi như lúc này. Bao nhiêu cảm xúc ùa về và mình biết khoảnh khắc này chỉ bạn mới có thể chia sẻ với mình. Hôm nay, mình về thăm ngôi trường cấp 2 thân yêu của chúng ta, sau hai mươi năm xa cách...

Cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn còn vương lại dù đã là buổi xế chiều, những tia nắng vẫn đang mải đùa nghịch trên mấy tán cây, ngôi trường cũ hiện ra thân thương, quen thuộc và không còn vẻ nghiêm trang như hồi trước nữa... Mình lặng lẽ dạo quanh sân, ngắm nhìn từng vòm cây để cảm nhận sự khác biệt trong lòng cái khung cảnh đã từng quá thân thuộc này. Có lẽ, dù đã hai mươi năm xa cách, dù có bao lớp học sinh đến rồi lại đi, thì trường vẫn thế, vẫn chẳng thay đổi gì trong tâm hồn mỗi người, mãi mãi...

Nhìn đồng hồ đeo tay, đã đến giờ tan trường, mình tạm lánh vào một góc khuất - Tường Vi đoán xem, đó là chỗ nào? Cái gầm cầu thang mà chúng mình thường trốn ngày xưa khi chơi trò ú tim ấy! Nhắm mắt lại và mình cảm thấy như đang nghe bên tai ba hồi trống trường thân quen ngày nào. Mình tưởng tượng ra hình ảnh của lũ trẻ ùa ra từ các phòng học, chúng hồn nhiên gọi nhau, cãi nhau, ríu rít đùa nhau, nhí nhảnh như bọn mình hồi xưa... Màu áo trắng, sao mà nhớ thế! Chỉ một hai năm nữa thôi, ngày chia tay, chúng sẽ giống chúng mình ngày xưa, chìa lưng áo trắng cho nhau ghi dòng lưu bút...

Một lúc lâu sau, mình vẫn chưa muốn rời đi, mình tần ngần nhìn lại ngôi trường. Cả sân trường rợp bóng cây xanh, lặng lẽ với mùa hè đầy nắng vàng và ve sầu. Xa xa, nơi góc hồ nước, một cây me cao lớn trông tràn đầy sức sống. Mình chợt nhận ra đó chính là gốc me non tụi mình trồng năm nào, tự nhiên lại thấy bồi hồi. Bước dần lên cầu thang, mình tìm lại phòng học cuối tầng ba, nơi ngày xưa bốn mươi sáu quỷ sứ lớp mình từng trú ngụ. Đây rồi, lớp học đó, cá cái ban công quen thuộc đang ở ngay trước mắt, chờ mình bước vào và tìm kiếm lại hình ảnh của hai mươi năm trước. Chỗ ngồi cạnh cửa sổ bàn ba là của mình, nơi đã từng chứng kiến mình khóc, mình cười và cả khi mình nói chuyện riêng nữa. Còn cách đó hai bàn, là chỗ của bạn đó nhớ không? Cách xa như thế mà hai đứa còn nói chuyện riêng được thì thật tài!

Hôm ấy mình không gặp được thầy cô giáo cũ, chỉ còn thấy lại những kỷ niệm thuở học trò, những buổi ngồi truy bài dưới gốc cây phượng, những giờ kiểm tra gay cấn, hồi hộp đến toát mồ hôi... Tất cả đã rất xa mà cũng lại như vừa mới hôm qua.

Tường Vi ơi! Nhất định hôm nào chúng ta gặp nhau nhé! Biết rằng công việc của ai cũng bận rộn nhưng mình tha thiết muốn gặp bạn dưới những vòm cây của ngôi trường cũ yêu dấu này để ôn lại những ngày xưa!

Hẹn gặp bạn một ngày không xa.

Thân ái!

Giao Linh

Bài mẫu 5: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Quang Hải thân mến!

Hôm nay, chắc có lẽ là ngày đáng nhớ nhất. Cái ngày mà tôi được trở về tuổi thơ, được trở về cái nơi đầy kỉ niệm ấy. Nhưng tôi giờ đây không còn là tôi của hai mươi năm trước nữa. không còn là một cậu học sinh ở thuở cắp sách mà tôi với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi quay trở về nơi ấy, cái nơi mà tôi đã gắn bó với biết bao kỉ niệm đẹp trong bốn năm thời trung học. Đó là trường tôi, ngôi trường tọa lạc trên con đường Nguyễn Trãi thân thương: trường Trung học cơ sở Kim Đồng. Nay tôi viết thư gửi đế kể cho cậu nghe về buổi thăm trường ngày hôm đó.

Sáu giờ sáng, tôi khoác trên vai một chiếc cặp xinh xinh, nhưng nó không phải cùa tôi mà là của thằng con bé nhỏ mới bước vào lớp sáu của tôi. Tôi hiểu cái cảm giác ngỡ ngàng của con tôi, nó chưa quên được nhũng tháng ngày chơi đùa ở thời tiểu học, quả thật thì hồi ấy tôi có khác gì nó đâu. Bạn biết không, đứng trước cống trường, tôi thầm nghĩ, thấm thoát đã hai mươi năm, sao cái cổng trường lại thân thương đến thế! Sao mà hồi ấy, bốn năm trời, chúng ta lại không dành thời gian để ngắm nhìn nó nhỉ? Trước cổng trường thì vẫn cứ thế, không thay đổi gì mấy. Bác vẫn đứng đấy, Bác vẫn để hàng chữ: “Trường Trung học cơ sở Kim Đồng” đầy thân quen. Chắc Bác cổng vẫn còn yêu nghề, vẫn còn muốn dang tay đón học sinh vào đây mà! “Thế thì tôi nhờ Bác chăm sóc thằng con giùm tôi nhé!” – Tôi nghĩ thầm. Tôi dẫn con bước vào trường, phòng bảo vệ bây giờ khác xưa rất nhiều, nó đã không còn là một khu phòng nhỏ nhắn trước cổng mà nó đã được xây lên đúng chất “phòng bảo vệ”. Tôi ghé vào, nó đã được xây rộng ra, sơn phết một màu vàng nhạt. Còn có cả máy tính để thống kê gửi xe nữa, tôi nhìn quanh, hai bác bảo vệ vẫn ngồi đấy. Tóc các bác dường như điểm vài sợi bạc trắng, đồng phục hai bác vẫn không thay đổi, vẫn một tông quần áo xanh rêu ấy. Dường như nó đã nhạt dần chắc là vì muốn nhắc nhở học sinh phải ghi nhớ công sức của những người bảo vệ.

Tiếp theo, tôi nhìn vào dãy nhà khu A. Nó được tu sửa rất nhiều, giờ đây nó được khoác lên mình một chiếc áo mới. một chiếc áo hai màu trên vàng nhạt, dưới pha nâu. Ôi, cái khu A ngày nào giờ chắc cũng đã quên tôi rồi! Tôi nén cảm xúc bước vào trong. Sân trú thì còn đấy mà phòng vi tính đã đi đâu mất rồi. Thay vào đó là phòng bóng bàn, chắc nhà trường đã thêm môn này vào phần thể dục ngoại khóa đây? Con tôi chạy nhanh lên lầu, bước vào lớp, còn tôi vẫn đứng đấy.

Tôi nhìn bao quát cả ngôi trường thân thương của mình, trông nó thật thân quen mặc dù nó đã thay đổi ít nhiều nhưng vẫn có chút gì đó bồi hồi trong tôi. Nó vẫn là ngôi trường của hai mươi năm trước, một ngôi trường chất chứa bao kỉ niệm. Điều đầu tiên lọt vào mắt tôi là sân trường, bây giờ nó rộng hơn xưa rất nhiều, nó còn có cả khu chơi thể thao như bóng bàn, bóng rổ,… Tôi nghĩ “bọn trẻ bây giờ sướng thật, thật chả bù với mình ngày xưa”. Tiếp đến, tôi bước vào nơi mà không xa lạ gì với tôi “phòng giám thị”. Nơi đây đã làm tôi nhớ đến rất nhiều thứ từ vui đến buồn rồi đến sợ sệt, chẳng khác gì hai mươi năm trước đây. Các thầy vẫn như xưa,nhưng có thêm vài người mới. Tôi lễ phép chào hỏi các thầy, tôi nghĩ rằng có lẽ sau bấy nhiêu thời gian đó chắc chắn các thầy đã quên tôi rồi. Tôi bất ngờ với thầy Sinh – người thầy mà tôi cảm thấy rất sợ ngày ấy bồng nhận ra tôi “A! Thiên Bảo đây mà, cái thằng học trò nhộn nhất trường phải không?”. Tôi chỉ biết cười mà trong lòng rung lên biết bao niềm xúc động. Tôi nhìn xung quanh, nó vẫn như thế, chỉ có điều ba mươi hai chiếc camera ngày xưa giờ đây đã “sinh sôi nảy nở” thành sáu mươi bốn cái. Tôi chào các thầy, tôi bước ra. Bạn biết không, thật bất ngờ làm sao khi tôi thấy một người phụ nữ đang bước lại gần, không đâu xa lạ đó là cô chủ nhiệm lớp chín của tôi. Tôi xúc động, nghẹn ngào không nói thành lời, trong lòng mong muốn được chạy đến ôm lấy cô. Tôi tiến lại gần cô. Cô giờ đây đã có tuổi, mái tóc đen huyền ngày xưa của cô giờ đây cũng đã phai dần theo năm tháng. Trán cô đã có rất nhiều nếp nhăn hơn. Cô nhìn tôi một lúc, hình như cô đang trắc nghiệm lại trí nhớ cùa mình. Bỗng cô thốt lên với một giọng truyền cảm năm xưa. “A! Thiên Bảo phải không?”. Tôi xúc động cúi chào cô, cô đánh nhẹ vào vai tôi , hỏi thăm bao điều. Xong hai cô trò chúng tôi cùng đi tham quan các lớp học. Mói đó đã hơn tám giờ, cũng đã đến giờ tôi phải trở về với cương vị người lớn. Tôi phải đi làm. Cô tiễn tôi ra ngoài cổng. Hai cô trò nhìn nhau đầy quyến luyến. Tôi chào cô rồi lên xe ra về.

Buổi về trường hôm nay đã gợi lên trong tôi biết bao kì niệm từ vui đến buồn. Thật đáng tiếc là bạn lại không có ở đây. Nếu có ở đây, chắc chắn cậu cũng sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc giống như tôi vậy. Tôi cũng rất hối hận vì sao ngày ấy tôi không cố gắng ngoan hiền mà lại quậy phá, khiến thầy cô đau buồn như thế. Tôi giờ đây đã là một ông bố ba mươi năm tuổi, tôi đã có nghề nghiệp ổn định. Nhưng đối với tôi, tôi vẫn mãi là một cậu học trò hay nghịch ngợm của cô tôi, của trường tôi.

Bạn của Hải

Thiên Bảo

Bài mẫu 6: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ, hãy viết thư cho bạn học....

Bài làm

Hà Nội, ngày.....tháng.....năm.......

Phương thân mến !
Đã lâu rồi tôi không viết thư cho Phương. Thời gian sao trôi nhanh quá,mới đó mà đã sang hè. Phương có khỏe không ? Gia đình Phương thế nào rồi ? Mọi người có được mạnh khỏe không ? Riêng gia đình tôi vẫn bình thường, mọi người vẫn mạnh khỏe và sống tốt, cô nhóc nhà tôi đã vào lớp một rồi đấy.
Phương thân mến! Dạo này bạn có về thăm trường không ? Ngôi trường mà hai mươi năm về trước bọn mình đã từng theo học ấy? Và bạn có biết được rằng dù đã từng ấy năm trôi qua,dù đã có bao lớp học sinh đến rồi lại đi nhưng lớp học của bọn mình vẫn còn đó, sân trường vẫn rực một màu nắng. Tất cả vẫn vẹn nguyên như ngày chúng mình xa trường.
Đó là một buổi tan trường. Những tia nắng óng ánh vàng rực xuyên qua các kẽ lá của mùa hè như vương lại trên đôi chân và theo bước tôi trên con đường phẳng một màu phượng. Thấp thoáng sau những tán cây, ngôi trường cũ thân thương hiện ra uy nghiêm trước mắt người học trò cũ, nhưng ngôi trường đã không còn vẻ trang nghiêm như lúc xưa nữa. Tôi rảo bước quanh sân trường, giờ đây, xung quanh sân trường, dù là một chiếc lá, hay một cánh hoa phượng cũng đều gợi lên trong tôi những cảm nhận thân thương nhất, quen thuộc nhất.
Bước dần lên những bậc thang lúc xưa, những phòng học lần lượt hiện ra. Đây rồi, lớp học của bọn mình. Nhớ ngày nào, bốn mươi đứa cùng sát cánh bên nhau cùng học, cùng chơi với cái danh "Lũ Quỷ". Vậy mà giờ đây,mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một cuộc sống của riêng mình. Tôi tiến đến từng bàn học và ngừng lại ở chỗ ngồi cạnh cửa sổ bàn ba của tôi hai mươi năm về trước. Chính chỗ ngồi ấy đã chứng kiến và minh chứng cho những gì tôi đã nổ lực, cả những khi tôi khóc,tôi cười và cả những khi tôi...quay bài nữa. Phía trên tôi, ngay đầu bàn hai là chỗ của bạn đấy, cô bạn thân thương của tôi. Nhớ ngày nào, hai đứa mình cùng học, cùng chơi, cùng sẻ chia biết bao vui buồn về học tập. Mặc dù đã học với nhau suốt đầu Trung Học Cơ Sở nhưng mãi đến lớp tám tôi và bạn mới thật sự thân. Dù đã hai mươi năm dài trôi qua nhưng những kỉ niệm giừo đây lại bắt đầu ùa về trong tâm hồn tôi,rõ ràng tôi vẫn chưa thể quên được những ngày tháng thân thương ấy, vẫn chưa thể quên được ngày chia tay của lớp mình khi xưa.
Sân trường vẫn hoàn toàn lặng yên.Tôi rảo bước qua những gốc cây...Phương ơi !và bạn có ngờ được không ?Tôi đã gặp lại cô giáo chủ nhiệm của bọn mình năm cuối cấp, cô Tú đấy bạn còn nhớ không ? Cô lúc này đã già, mái tóc đã điểm bạc,gặp lại cô tôi mừng lắm, cô cũng nhận ra tôi,hai cô trò ngồi ghế đá dưới gốc cây trò chuyện, dù đã bao năm rồi nhưng cô vẫn ân cần như xưa, vẫn quan tâm đến học trò như cách cô chăm sóc bọn mình hồi ấy. Bạn biết không ? Tháng trước, lớp trưởng của bọn mình cũng đã ghé thăm trường. Đám thằng Tuân, thằng Quang,...cũng đã về thăm trường rồi đấy. Tụi nó bây giờ thành đạt lắm,có lẽ là nhờ những nổ lực của bản thân năm xưa. Đang ngồi, tôi bỗng gặp lại gặp lại thầy Minh- đã dạy Toán bọn mình năm lớp bảy ấy, nhân dịp thầy về thăm trường. Thầy lúc này đã già đi nhiều quá, tóc đã bạc cả đầu, nhưng gương mặt thầy vẫn phúc hậu như năm nào. Tôi bỗng thấy thầy thân thương quá đỗi,thầy vẫn có cái nhìn trìu mến dành cho học trò như ngày nào bạn ạ...
Buổi thăm trường đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc thân thương, được nhìn thấy thầy cô năm xưa,được nhìn thấy ngôi trường năm nào, được hồi tưởng lại khoảng thời gian đầm ấm tình bè bạn ngày nào bọn mình còn bên nhau, tôi thật sự cảm thấy ấm lòng và có cảm giác như mình trẻ lại.
Nếu một ngày nào rãnh rỗi, Phương hãy về thăm trường ta một lần nhé. Trong đời mỗi người,khoảng thời gian được làm học trò cắp sách tới trường là khoảng thời gian quí báu,nó thật sự đẹp đẽ là trong sáng. Tôi mong Phương sẽ luôn nhớ về ngôi trường, về thầy cô, hãy trân trọng những gì thân thương tại đây để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, Phương nhé. Chúc Phương và gia đình gặp nhiều may mắn và luôn khỏe mạnh trong cuộc sống. Nhớ viết thư hồi âm cho tôi,Phương nhé !
Thân ái!
Hà Phương