Tìm hiểu những nội dung hợp tác của Cộng đồng kinh tế AEC - một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN.
Tài liệu tham khảo:
Tại Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2020 thông qua tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng phát triển ASEAN thành một Cộng đồng ASEAN.
Ý tưởng được tái khẳng định tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tháng 10/2003, thể hiện trong Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Ba-li II). Theo đó, ASEAN nhất trí hướng đến mục tiêu hình thành một cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với 3 trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (Cộng đồng an ninh ASEAN – ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC) và hợp tác văn hoá xã hội (Cộng đồng Văn hoá Xã hội ASEAN – ASCC).
Cộng đồng kinh tế AEC có mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài. Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về AEC với những đặc điểm và nội dung sau: Tới sau năm 2015 sẽ đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; một khu vực phát triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI); một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử... Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là hỗ trợ các nước thành viên gia nhập sau, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.