Tìm điểm chung giữa những đời vua mà ông Quán thương ghét và giữa những con người mà ông Quán thương. Từ đó có nhận xét về cơ sở của Lẽ ghét thương theo quan điểm đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu.
- Những điều ông Quán ghét: 10 câu thơ trong đoạn trích nói về lẽ ghét. Ghét việc tầm phào, ghét vua Trụ mê dâm, U Vương, Lệ Vương gây ra nhiều mối rắc rối, Ngũ Bá chia rẽ, đổ nát, sớm đầu tối đánh … Điểm chung của các vua chúa được nhắc đến: ăn chơi, hoang dâm vô độ, tranh quyền, đoạt lợi, không quan tâm đến chính sự đang rối ren, không nghĩ đến đời sống lầm than cực nhọc của dân. Căn nguyên của cái ghét ở đây là do lòng thương dân, vì dân, ghét những kẻ hại dân, làm cho nhân dân sa hầm sẩy hang, chịu lầm than, nhọc nhằn…
- Với cái ghét là lẽ thương, 16 câu thơ kế tiếp như lời tự bạch của ông Quán về tình thương: thương những người có tài cao chí cả, muốn cứu đời, giúp dân nhưng lại gặp rủi ro, bất hạnh nên không thực hiện được chí hướng. Lòng thương của ông Quán thật rộng lớn: thương Nhan Tử mất sớm, dở dang công danh; thương Gia Cát Lượng có tài thao lược không cứu vãn được thời Hán mạt; thương Đồng Trọng Thư tài đức hơn người mà bị dồn vào thế bí; thương Đào Tiềm khí tiết thanh cao lại lui về ở ẩn; thương Hàn Dũ can vua bị đày… Tác giả kể về các nho gia đáng kính, đồng thời cũng nói về người đời đáng kính. Đoạn thơ kết thúc:
Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương
- Cho thấy vì thương nên ghét. Đây là hai mặt tình cảm đối lập nhưng xuất phát từ lòng thương dân sâu sắc. Nguyễn Đình Chiều tìm thấy bóng dáng mình trong đó: mơ ước lập thân để giúp đời nhưng lại gặp nhiều bất hạnh.