Thời Minh - Thanh, trấn Cảnh Đức (Giang Tây) trở thành kinh đô đồ sứ của Trung Quốc.

Thành phố Cảnh Đức Trấn nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây, giáp các tỉnh Chiết Giang, An Huy, là cái nôi sinh ra văn hóa gốm sứ và nghề chế tạo đồ gốm sứ của Giang Tây. Do có kỹ thuật sản xuất vượt trội, sản phẩm đạt chất lượng tốt mà Cảnh Đức Trấn trở thành nơi chuyên sản xuất đồ sứ cho triều đình. Đến đời Minh, Cảnh Đức Trấn đã trở thành trung tâm sản xuất đồ sứ của cả nước, được mệnh danh là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc. Một trong những lý do tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho đồ sứ tại Cảnh Đức Trấn là phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt với sự phân công lao động rất kỹ càng. Cũng vì vậy mà những thợ tham gia vào từng khâu trong quá trình này đều rất điêu luyện. Tại Cảnh Đức Trấn, ở mọi khâu đều xuất hiện những người thợ, nghệ nhân lành nghề. Kỹ năng, kỹ thuật của họ đa phần được truyền thụ dựa trên nền tảng quan hệ huyết thống, nhưng thông thường chỉ truyền thụ trong nội tộc, tức truyền cho đầu trai, chứ không truyền cho đầu gái. Quy trình chế tác đồ sứ Cảnh Đức Trấn thường chia thành mấy công đoạn chính: tạo phôi, sửa phôi, tráng men, vẽ phôi và nung trong lò. Đồ sứ của Cảnh Đức Trấn thường có chất lượng tốt, tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo. Có thể nói rằng, đồ gốm sứ đại diện cho văn hóa truyền thống, rực rỡ của Trung Quốc, có giá trị lịch sử quan trọng, trong đó tiêu biểu là đồ gốm sứ của Cảnh Đức Trấn.