Thế nào là phát triển bền vững? Liệt kê một số hoạt động hằng ngày của chúng ta có thể ảnh hưởng đến sự phát triển....

1. Định nghĩa phát triển bền vững:

- Theo định nghĩa của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên Hợp quốc (1987), phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng tiếp cận với nhu cầu phát triển của các thế hệ tương lai.

2. Một số hoạt động hằng ngày của con người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững:

- Chặt phá rừng, thải các chất khí vào bầu khí quyển.

- Săn bắn động vật hoang dã.

- Sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng hoá thạch.

- Tái chế rác thải.

- Phân loại rác, vứt đúng nơi quy định.

- Trồng cây, phủ xanh đất trống, đồi trọc.

3. Sinh học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững môi trường sống và những vấn đề toàn cầu.

- Nghiên cứu sinh học góp phần cung cấp cơ sở khoa học giúp cho chính phủ có những chiến lược phát triển kinh tế phù hợp với sự phát triển bền vững. 

+ Nghiên cứu về hệ sinh thái và sự ấm lên toàn cầu giúp cho việc quy hoạch xây dựng các đập thuỷ điện, đường sá, nhà máy,...

+ Nghiên cứu sinh học giúp cho việc bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, khí thải,..., giúp cải tạo, phục hồi các hệ sinh thái, các vùng đất bị ô nhiễm. 

+ Nghiên cứu sinh học giúp lĩnh vực sản xuất các chế phẩm, sản phẩm thân thiện môi trường, tạo ra các giống cây trông, vật nuôi nâng cao năng suất kinh tế.

+ Nghiên cứu sinh học giúp nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng vật nuôi đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho con người.

+ Nghiên cứu sinh học giúp tìm ra các loại thuốc và dược phẩm phục vụ cho y tế, phát triển vắc xin phòng bệnh…  

+ Nghiên cứu sinh học giúp bảo tồn hiệu quả và hợp lý các nguồn tài nguyên di truyền động vật...

=> Việc trang bị kiến thức tối thiểu về sinh học giúp xây dựng xã hội phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

4. Mối quan hệ của sinh học với kinh tế, công nghệ và vấn đề đạo đức xã hội:

- Nghiên cứu sinh học cần tính tới vấn đề đạo đức xã hội. Mọi tiến bộ của sinh học áp dụng vào đời sống không được vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ví dụ: Việc giải trình tự hệ gene của một người có thể giúp cho công tác chữa bệnh được hiệu quả, nhưng những ai có quyền biết thông tin này? Liệu kĩ thuật chỉnh sửa gene hiện đang phát triển có nên áp dụng để chỉnh sửa gene của người? Liệu các giống cây trồng biến đổi gene có thực sự an toàn với con người?

- Sinh học và kinh tế 

+ Những ứng dụng của sinh học đã đem lại giá trị kinh tế vô cùng to lớn cho con người.

Ví dụ: Những giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt được tạo ra bằng phương pháp gây đột biến nhân tạo và lai hữu tính,...

+ Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng có nhiều vấn đề phát sinh khi áp dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn.

Ví dụ: Khi trồng cây giống tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô tế bào trên diện tích lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro mất mùa nếu điều kiện môi trường bất lợi với cây trồng,... 

- Sinh học và công nghệ: Nghiên cứu sinh học cơ bản còn giúp phát triển các công nghệ phỏng sinh học áp dụng trong cải tiến, tối ưu hoá các công cụ máy móc.

Ví dụ: Nghiên cứu tập tính của các loài côn trùng như kiến, người ta có thể chế tạo ra robot hoạt động độc lập nhưng có thể “giao tiếp” với nhau để thực hiện một nhiệm vụ nhất định đã được lập trình.