Soạn văn bài: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Sách VNEN ngữ văn lớp 9 trang 19. Phần dưới sẽ hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học. Cách soạn chi tiết, dễ hiểu, Hi vọng các em học sinh nắm tốt kiến thức bài học..

B. Bài tập và hướng dẫn giải

A. Hoạt động khởi động

1. Em hiểu “hành trang” là gì?

2. Theo em, học sinh lớp 9 cần chuẩn bị những hành trang gì để bước vào trường trung học phổ thông ?

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới"

2. Tìm hiểu văn bản

a) Hãy chỉ ra hệ thống luận điểm và trình tự lập luận của tác giả ?

b) Trong bài viết, tác giả cho rằng: "Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất". Điều đó đúng không, vì sao?

c) Chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam được tác giả nêu và phân tích trong bài viết. Những điểm mạnh có ý nghĩa gì trong hành trang của con người Việt Nam và những điểm yếu gây cản trở gì cho chúng ta khi bước vào thế kỉ mới?

d) Tác giả có thái độ như thế nào đối với con người và dân tộc mình trước yêu cầu của thời đại?

3. Tìm hiểu về các thành phần biệt lập (tiếp theo)

a) Đọc các câu sau đây (trích từ truyện ngắn Làng của Kim Lân) và trả lời câu hỏi.

(1) – Này, bác có biết mấy hôm nay súng nó bắn ở đâu mà nghe rát thế không?

(2) – Các ông, các bà ở đâu ta lên đấy ạ?

Ông Hai đặt bát nước xuống chõng hỏi. Một người đàn bà mau miệng trả lời:

Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ.

- Trong các từ ngữ in trên, từ ngữ nào được dùng để gọi, từ ngữ nào được dùng để đáp?

- Những từ ngữ dùng để gọi người khác hay đáp lời người khác có tham gia diễn đạt nghĩa sự việc của câu hay không?

- Trong những từ ngữ in đậm trên, từ ngữ nào được dùng để tạo lập cuộc thoại, từ ngữ nào được dùng để duy trì cuộc thoại đang diễn ra?

b) Đọc các câu sau đây và trả lời câu hỏi.

(1) Lúc đi, đứa con gái đầu lòng của anh – và cũng là đứa con duy nhất của anh, chưa đầy một tuổi.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(2) Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.

(Nam Cao, Lão Hạc)

- Nếu được lược bỏ các từ ngữ in đậm, nghĩa sự việc của mỗi câu trên có thay đổi không? Vì sao?

Ở câu (1) các từ in đậm dược thêm vào để chú thích cho cụm từ nào?

Trong câu (2), cụm chủ vị in đậm chú thích điều gì?

c) Hoàn chỉnh bảng sau bằng cách điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống trong ngoặc đơn để thấy được công dụng của thành phần gọi – đáp và thành phần phụ chú:

(1) Thành phần gọi đáp được dùng để (…) giao tiếp.

(2) Thành phần phụ chú được dùng để (…) cho nội dung chính của câu.

4. Tìm hiểu nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Đọc văn bản và trả lời câu hỏi

TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH
         Nhà khoa học người Anh Phơ-răng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI – XVII) đã nói một câu nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại nói cụ thể hơn: “Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy.
        Tri thức đúng là sức mạnh. Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10 000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-mét-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9 999 đô la.”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu không biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không!?
        Tri thức cũng là sức mạnh của cách mạng. Bác Hồ của chúng ta sau chuyến đi Pháp năm 1946 trở về đã thu hút được nhiều nhà tri thức Việt Nam danh tiếng đi theo kháng chiến như kĩ sư Trần Đại Nghĩa, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, nhà toán học Tạ Quang Bửu,… Các nhà trí thức ấy đã đem tri thức của mình mà xây dựng các ngành quân giới, giáo dục, y tế,… góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, các giáo sư Đàm Trung Đồn, Vũ Đình Cự đã huy động tri thức góp phần phá huỷ lôi nổ chậm của địch, khai thông bến cảng. Và ngày nay, các nhà khoa học nông nghiệp như Bùi Huy Đáp, Vũ Tuyên Hoàng,… đã lai tạo giống lúa mới, góp phần tăng sản lượng nông nghiệp, làm cho nước ta không chỉ có đủ lương thực mà còn trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về xuất khẩu gạo thế giới.
     Tri thức có sức mạnh to lớn như thế nhưng đáng tiếc là còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức. Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!
(Hương Tâm)

a) Văn bản trên bàn về vấn đề gì?

b) Văn bản có thể chia làm mấy phần? Chỉ ra nội dung của mỗi phần và mối quan hệ của chúng với nhau.

c) Đánh dấu các câu mang luận điểm chính trong bài. Các luận điểm ấy đã diễn đạt được rõ ràng, dứt khoát ý kiến của người viết chưa?

d) Văn bản đã sử dụng phép lập luận nào là chính? Cách lập luận có thuyết phục hay không?

e) Bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí khác với bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống như thế nào?

C. Hoạt động luyện tập

1. Luyện tập đọc hiểu văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.

Em hãy nêu những dẫn chứng trong thực tế đời sống để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam mà tác giả đã chỉ ra trong văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.

2. Luyện tập về các thành phần biệt lập (tiếp theo)

a) Tìm thành phần gọi - đáp trong đoạn trích sau đây và cho biết từ nào được dùng để gọi, từ nào được dùng để đáp. Quan hệ giữa người gọi với người đáp là quan hệ gì ( trên – dưới hay ngang hàng, thân hay sơ)?

(1) - Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.
(2) - Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì?
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

 

b) Tìm thành phần phụ chú trong các trường hợp sau và cho biết  chúng bổ sung điều gì. Thành phần phụ chú trong mỗi câu liên quan đến những từ ngữ nào trước đó?

(1) Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)
(2) Giáo dục tức là giải phóng. Nó mở ra cánh cửa dẫn đến hoà bình, công bằng và công lí. Những người nắm giữ chìa khoá của cánh cửa này – các thầy, cô giáo, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ – gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi vì cái thế giới mà chúng ta để lại cho các thế hệ mai sau sẽ tuỳ thuộc vào những trẻ em mà chúng ta để lại cho thế giới ấy.
(Phê-đê-ri-cô May-o, Giáo dục – chìa khoá của tương lai)
(3) Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấy đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.
(Vũ Khoan, Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới)
(4) Cô bé nhà bên có ai ngờ
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi).
(Giang Nam, Quê hương)

3. Luyện tập nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi.

THỜI GIAN LÀ VÀNG

Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá trị mà thời gian là vô giá.

Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.

(Phương Liên)

 

a) Văn bản trên thuộc loại nghị luận nào?

b) Văn bản nghị luận vấn đề gì? Chỉ ra luận điểm chính của văn bản.

c) Phép lập luận chủ yếu trong bài này là gì? Cách lập luận trong bài có sức thuyết phục như thế nào?

4. Viết bài tập làm văn số 5 – Nghị luận xã hội

Đề 1: Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về lòng yêu thương con người trong xã hội hiện nay.

Đề 2: Trình bày quan điểm của em về trò chơi điện tử.

D. Hoạt động vận dụng

1. Viết một đoạn văn khoảng 10 – 12 câu trình bày suy nghĩ của em về những đặc điểm trong tính cách con người Việt Nam trước yêu cầu mới của thời đại, trong đó có câu chứa thành phần phụ chú.

2. Em tự nhận thấy bản thân có những điểm mạnh, điểm yếu nào? Em sẽ khắc phục những điểm yếu đó như thế nào?

(học sinh tự thực hành)

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

1. Tìm đọc một số văn bản nói về tính cách và phẩm chất con người Việt Nam.

2. Chỉ ra một số phẩm chất, kỹ năng mà thanh niên thế kỉ XXI cần phải có.