Soạn văn 9 bài kiểm tra về thơ và truyện hiện đại giản lược nhất. Bài soạn theo tiêu chí: đơn giản nhất, lược bỏ những phần không cần thiết. Học sinh sẽ soạn bài nhanh, nắm tốt ý chính. Từ đó giúp em tư duy và đa dạng ngôn từ khi cần diễn giải. Kéo xuống dưới để xem nội dung bài soạn..
Nội dung ôn tập
Câu 1: Sắp xếp lại cho đúng hoặc điền vào những chỗ trống trong bảng thống kê các dữ kiện về từng tác phẩm, thể loại, năm sáng tác, tác giả, nội dung chính
=> Xem TẠI ĐÂY
Câu 2: Tóm tắt cốt truyện, tình huống chính và nêu chủ đề của các truyện ngắn: Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà.
Làng
Ông Hai cùng vợ con rời làng chợ Dầu tản cư ở vùng tự do.Nghe tin đồn làng mình theo Tây, ông vô cùng buồn bực, xấu hổ, thậm chí còn căm thù những người làng đi theo Việt gian bán nước. Ông tự đấu tranh gay gắt với bản thân và vẫn một lòng tin vào cụ Hồ. Cuối cùng ông Hai cũng biết là tin đồn nhảm. Lúc đó ông mới phấn khởi, tự tin trở lại, giải tỏa được trạng thái căng thẳng nghi hoặc lúc trước.
Lặng lẽ Sa Pa:
Trên chuyến xe khách từ Hà Nội lên Lào Cai, ông họa sĩ già ,bác lái xe, cô kĩ sư trẻ tình cờ quen nhau. Bác lái xe đã giới thiệu cho ông họa sĩ và cô kĩ sư làm quen với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Cuộc gặp gỡ chỉ 30 phút, anh thanh niên tặng hoa cho cô gái, pha trà và trò chuyện với mọi người về cuộc sống và công việc của anh. Ở đây, người họa sĩ già và cô kĩ sư đã nhận ra vẻ đẹp những người lao động thầm lặng trên cái nền lặng lẽ của Sa Pa. Ông họa sĩ luôn đi tìm hình ảnh lí tưởng cho bức tranh của mình chỉ kịp phác thảo những đường nét cơ bản về anh thanh niên.
Chiếc lược ngà
Ông Sáu về thăm gia đình. Bé Thu không nhận ba vì vết thẹo trên mặt. Khi Thu nhận ra ba cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Hứa với bé Thu, ở chiến khu, ông Sáu đã dành hết tình cảm của mình để làm chiếc lược ngà tặng con. Nhưng chưa kịp tặng, ông đã hi sinh và đã nhờ một người bạn gửi lại cho bé Thu.
Câu 3: Phân tích nét nổi bật trong tính cách nhân vật ông Hai (truyện ngắn Làng). Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật này của tác giả. Quan hệ giữa tình yêu làng quê và lòng yêu nước của nhân vật ông Hai.
- Nét tính cách đầu tiên và dễ nhận thấy nhất ở ông Hai là tình yêu tha thiết đối với làng ông. Mỗi làn “khoe” làng với ai, ông đều nói bằng sự say mê và náo nức lạ thường. Khi nghe theo giặc ông lão đã rất đau đớn, xót xa, tủi nhục. Ông trốn tránh mỗi khi nghe ai đó bàn tán về làng Chợ Dầu của mình. Nhưng khi nghe tin làng cải chính, ông đã vui mừng khôn xiết.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: Nhà văn đặt nhân vật vào tình huống thử thách để bộc lộ tính cách và tâm trạng thông qua hành động, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại, rất hợp lý.
- Với ông Hai, tình yêu làng quê và lòng yêu nước hòa quyện làm một.
Câu 4: Vẻ đẹp trong cách sống trong tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật anh thanh niên một mình trên trạm khí tượng giữa núi cao trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Vẻ đẹp trong cách sống trong tâm hồn và những suy nghĩ của nhân vật anh thanh niên:
- Lòng yêu nghề,tinh thần trách nhiệm với công việc
- Anh biết tạo ra một cuộc sống nền nếp văn minh và thơ mộng
- Sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách
- Sự khiêm tốn, thành thật
=> Tóm lại, chỉ bằng một số chi tiết và anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Anh thanh niên là hình ảnh tiêu biểu cho những con người ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Câu 5: Cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu và tình cha con trong chiến tranh ở truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
- Nhân vật bé Thu: một nhân vật trẻ em có tính cách cứng cỏi , mạnh mẽ , dứt khoát (đến nỗi, nhìn thoáng qua, người ta có thể cho là ương ngạnh, bướng bỉnh, khó bảo…) nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu, ngoan ngoãn và có tình yêu cha sâu sắc.
- Tình cha con trong Chiếc lược ngà: Đó là một thứ tình cảm sâu nặng. Điều này thể hiện qua việc ông Sáu giữ gìn và nâng niu lời hứa với con, việc ông Sáu vui mừng sung sướng dành hết tâm trí vào việc làm cây lược cho con.
Câu 6: Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài thơ – Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
- Hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” : Vẻ đẹp bình dị mà cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ xuất thân từ nông dân, bước vào đời lính với những gian lao khốn khó, nhưng vẫn sáng ngời tình đồng chí đồng đội sâu sắc.
- Hình ảnh người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": Hình ảnh người lính với vẻ đẹp của những chàng trai có tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, coi thường gian khổ hiểm nguy với tâm hồn sôi nổi trẻ trung, lạc quan yêu đời, tình đồng đội thắm thiết, ý chí chiến đấu mãnh liệt vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Câu 7: Tình yêu con và lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của người mẹ Tà ôi biểu hiện trong những lời ru ở bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm.
- Tình yêu con của người mẹ Tà - ôi gắn với tình thương anh bộ đội, buôn làng và cao hơn nữa là sự gắn bó với tình yêu quê hương đất nước.
- Tình cảm riêng chung đã hòa làm một. Tình yêu con gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, tình yêu với lao động sản xuất.
Câu 8: Phân tích bút pháp xây dựng hình ảnh thơ trong các bài thơ: Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng.
- Đồng chí (Chính Hữu): Hình ảnh chân thực, chi tiết sinh động, ngôn ngữ giản dị và cô đọng, giàu sức biểu cảm.
- Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận): Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phơi phới niềm vui của người lao động.
- Ánh trăng (Nguyễn Duy): Kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, giọng điệu tâm tình tha thiết, nhịp thơ khi trôi chảy nhịp nhàng, khi trầm lắng suy tư
- Hình ảnh biểu tượng đầu súng trăng treo (Đồng chí) : tính biểu tượng, gợi liên tưởng phong phú : súng và trăng là gần và xa, hiện thực và lãng mạn,… Đó là những nét phẩm chất tâm hồn của người lính, cũng có thể xem là một biểu tượng của thơ ca kháng chiến – nền thơ kết hợp nhuần nhuyễn hiện thực và cảm hứng cách mạng.
- Hình ảnh biểu tượng trăng (Ánh trăng): đồng hành cùng lời tâm tình của tác giả. Vượt qua ý nghĩa hiện thực, ánh trăng còn có ý nghĩa biểu tượng cho tình nghĩa thủy chung, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.