Sau thất bại trong Biên giới thu đông 1950, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ có âm mưu gì ở Đông Dương?.
Sau thất bại của Pháp ở Biên giới, thực dân Pháp lâm vào tình trạng khó khăn, lung túng, chúng phải dựa vào Mĩ, tiếp tục nhận viện trợ về mọi mặt của Mĩ mặc dù Pháp có mâu thuẫn với Mĩ.
Về phía Mĩ, vốn đã có dã tâm chiếm Đông Dương làm thuộc địa kiểu mới, cộng với mục đích chống cộng ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc, Mĩ đã giúp Pháp nhằm ràng buộc Pháp rồi từng bước hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương.
Từ tháng 5/1949 Mĩ từng bước can thiệp sâu vào Đông Dương. Ngày 23/12/1950 Mĩ kí với Pháp Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương. Đây là hiệp định viện trợ quân sự, kinh tế, tài chính của Mĩ cho Pháp và tay sai, qua đó, Mĩ từng bước thay chân Pháp ở Đông Dương.
Tháng 9/1951, Mĩ kí với Bảo Đại Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt – Mĩ nhằm trực tiếp ràng buộc Chính phủ Bảo Đại vào Mĩ.
Sau những hiệp định này, viện trợ của Mĩ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong ngân sách chiến tranh của Đông Dương. Năm 1952 là 52 tỷ phrăng – chiếm 19% ngân sách; năm 1954 là 555 tỷ Phrăng chiếm 73% ngân sách… Với sự viện trợ này, ta thấy được sự can thiệp ngày càng sâu của Mĩ vào chiến tranh Đông Dương và sự lệ thuộc của Pháp ngày càng tăng.
Để cứu vãn tình thế nguy khốn cho quân Pháp ở Đông Dương, dựa vào sự viện trợ của Mĩ, cuối 1950, Pháp – Mĩ đã đề ra kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi, mong muốn kết thúc nhanh chiến tranh. Kế hoạch gồm 4 điểm chính:
- Gấp rút tập trung quân Âu – Phi nhằm xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược mạnh, đồng thời ra sức phát triển ngụy quân để xây dựng “quân đội quốc gia”.
- Xây dựng phòng tuyến quân sự xi măng cốt sắt (boong ke), thành lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn chủ lực của ta và kiểm soát việc đưa nhân tài, vật lực ra vùng tự do.
- Tiến hành “chiến tranh tổng lực”, bình định vùng tạm chiếm, vơ vét sức người sức của cuả nhân dân để tăng cường lực lượng cho chúng
- Đánh phá hậu phương của ta bằng biệt kích, thổ phỉ, gián điệp, kết hợp oanh tạc bằng phi pháo với chiến tranh tâm lí và chiến tranh kinh tế.
Kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi đã đưa cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp – Mĩ ở Đông Dương lên quy mô lớn, làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhất là ở vùng sau lưng địch trở nên khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, ta quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa này.