Phiếu bài tập tuần 18 tiếng việt 3. Nội dung của phiếu bài tập nằm gọn trong chương trình học của tuần 18. Nhằm giúp các em củng cố lại kiến thức và ôn tập, rèn luyện kỹ năng giải tiếng việt. Chúc các em học tốt!.
TUẦN 18 - ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ 1
A- Kiểm tra đọc
I – Đọc thành tiếng (6 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học (SGK Tiếng Việt 3, tập một) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai (Giải đáp – Gợi ý)
(1) Đất quý, đất yêu (từ Đất Ê-ti-ô-pi-a là cha đến dù chỉ là một hạt cát nhỏ)
TLCH : Vì sao người Ê-ti-ô-pi-a không để khách mang đi, dù chỉ là một hạt cát nhỏ ?
(2) Nắng phương Nam (từ Phương tủm tỉm cười đến rung rinh dưới nắng)
TLCH : Vì sao các bạn chọn cành mai làm quà Tết cho Vân?
(3) Người con của Tây Nguyên (từ Núp mở những thứ Đại hội tặng đến coi mãi đến nửa đêm – Đoạn 3)
TLCH : Khi xem những thứ Đại hội tặng, thái độ của lũ làng ra sao?
(4) Người liên lạc nhỏ (từ Đến quãng suối đến ngồi nghỉ chốc lát – Đoạn 2)
TLCH : Khi gặp Tây đồn đem lính đi tuần, thái độ của Kim Đồng thế nào?
(5) Nhà rông ở Tây Nguyên (từ Gian đầu nhà rông đến chiêng trống dùng khi cúng tế)
TLCH : Gian đầu của nhà rông được bài trí như thế nào?
II – Đọc thầm và làm bài tập (4 điểm)
Bác rất thương loài vật
Lúc ở chiến khu, Bác Hồ nuôi một con chó, một con mèo và một con khỉ. Thông thường thì ba loài đó vốn chẳng ưa nhau. Không biết Bác dạy thế nào mà chúng lại quấn quýt nhau, không hề trêu chọc hay cắn nhau bao giờ.
Mỗi lần chuyển nhà đến nơi ở mới, bao giờ con khỉ cũng nhảy phóc lên ngồi trên lưng con chó. Hễ chó đi chậm, khỉ cấu hai tai chó giật giật. Chó chạy sải thì khỉ gò lưng như người phi ngựa. Chó chạy thong thả, khỉ buông thõng hai tay, ngồi núc nga ngúc ngoắc. Ai trông thấy cũng phải cười. Con mèo đen có đốm trắng thì ngoao ngoao lững thững chạy theo.
Riêng con khỉ thì rất nghịch nên các anh bảo vệ thường phải cột dây. Khi Bác ăn cơm, Bác mở dây và cho nó ăn. Bữa nọ, Bác vừa quay lưng ngó ra sân, nó bèn bốc trộm cơm của Bác và ngồi yên, giấu nắm cơm trong tay, và như không có chuyện gì xảy ra. Tôi nhìn thấy vội kêu lên : “Sao mày bốc cơm của Bác ?”. Con khỉ vội lom khom chạy đi, vừa chạy vừa quay lại nhìn như sợ Bác giận. Bác chỉ mỉm cười, nụ cười rất hiền lành.
(Theo Diệp Minh Châu)
Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng
1. Các con vật được Bác nuôi có quan hệ với nhau như thế nào ?
a- Không ưa nhau
b- Rất ghét nhau
c- Quấn quýt nhau
2. Chi tiết nào cho thấy con khỉ rất nghịch ?
a- Hễ con chó đi chậm, nó cấu vào hai tai chó giật giật
b- Bác vừa quay lưng, nó bèn bốc cơm của Bác, giấu đi
c- Nó vừa chạy vừa quay lại nhìn Bác như sợ Bác giận
3. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất tấm lòng rộng lượng của Bác ?
a- Bác dạy cho các con vật biết gắn bó với nhau
b- Bác mở dây cho con khỉ mỗi khi cho nó ăn cơm
c- Khi biết con khỉ bốc trộm cơm, Bác chỉ mỉm cười
4. Dòng nào dưới đây có các từ in nghiêng là từ chỉ đặc điểm của các con vật trong bài ?
a- Con chó nhanh nhẹn ; con mèo chậm chạp ; con khỉ nghịch ngợm
b- Con chó chạy trước ; con mèo đi sau ; con khỉ ngồi trên lưng con chó
c- Con chó nhanh nhẹn ; con mèo ngoao ngoao ; con khỉ nghịch ngợm
B- Kiểm tra viết
I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)
Cây trái trong vườn Bác
Vườn cây ôm tròn gần nửa vòng cung quanh ao cá cứ nở đầy nỗi thương nhớ không nguôi. Vị khế ngọt Ba Đình. Hồng xiêm Xuân Đỉnh cát mịn. Bưởi đỏ Mê Linh… Hồng Liên Thôn ! Hàng trăm quả trĩu trịt trên cành như hàng trăm chiếc đèn lồng phập phồng thở lửa giữa sương giá, ơi cái màu hồng thắm thiết và vồn vã.
(Theo Võ Văn Trực)
II – Tập làm văn (5 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8 câu) kể về quê hương em hoặc nơi em đang ở theo gợi ý sau :
a) Quê em ở đâu ?
b) Em yêu nhất cảnh vật gì ở quê hương ?
c) Cảnh vật đó có gì đáng nhớ ?
d) Tình cảm của em với quê hương như thế nào ?
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………….