Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
Vào những năm 40 của thế kỉ XX, giữa làn sóng của phong trào thơ Mới, một tác giả nổi lên với tư cách là cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng. Khi Xuân Diệu, Huy Cận vẫn còn băn khoăn, lạc lối khi không tìm thấy con đường đi thì ông đã tìm được mục đích, lý tưởng sống của chính mình. Đó là nhà thơ trữ tình chính trị xuất sắc: Tố Hữu. Và “Từ ấy” được xem là bản tuyên ngôn có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thi ca của nhà thơ. Khi nhắc về bài thơ này, Tố Hữu đã từng chia sẻ: “Từ ấy là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh”.
Bài thơ “Từ ấy” được rút ra từ tập thơ cùng tên, sáng tác năm 1938 khi Tố Hữu vừa được kết nạp vào Đảng cộng sản. Cả tác phẩm là một nỗi niềm hân hoan, vui sướng của cái tôi cá nhân khi bắt gặp lí tưởng của đời mình. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng , các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”
Khổ thơ thứ nhất đã vẽ nên niềm vui, sự say mê của nhà thơ khi gặp ánh sáng Cách mạng. Hai câu đầu được viết theo bút pháp tự sự, thông qua đó, nhà thơ như đang trần thuật lại kỉ niệm khó quên của đời mình.“Từ ấy” là một cụm từ chỉ mốc thời gian phiếm định. Đó là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu. Khi ấy, nhà thơ mới 18 tuổi, giữa lúc vẫn còn “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”, ông được giác ngộ và kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí chói qua tim”, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới soi rọi và gột rửa tâm hồn mình. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu dịu nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng rực rỡ của một ngày nắng hạ. “Mặt trời chân lí” là một ẩn dụ, một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: Nếu mặt trời của nhân gian tỏa hơi ấm và đem lại sức sống cho vạn vật thì Đảng cũng là nguồn sáng diệu kì đem đến chân lí cho nhà thơ. Nhìn chung, cách gọi lí tưởng như vậy thể hiện thái độ thành kính, ân tình. Thêm vào đó, những động từ mạnh như “bừng”, “chói” như nhấn mạnh rắng: ánh sáng lí tưởng đã xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.
Đến hai câu sâu, bút pháp trữ tình lãng mạn cùng với những hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể hơn niềm vui sướng của nhà thơ khi tìm ra chân lí đời mình:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Bằng việt sử dụng các động từ mạnh, các hình ảnh ẩn dụ, biện pháp so sánh kết hợp cùng phút pháp trữ tình lãng mạn, Tố Hữu đã lần nữa khẳng địn: chính cách mạng đã khơi dậy một sức sống mới và đem lại nguồn cảm hứng mới cho nhà thơ. Chỉ với khổ thơ đầu, Tố Hữu đã vẽ nên một bức tranh sinh động bằng những gam màu tươi sáng và đẹp đẽ nhất.
Sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã bộc bạch những nhận thức mới mẻ của mình về lẽ sống:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Từ “buộc” ở đây không có nghĩa là bắt buộc, miễn cưỡng mà nó là biểu hiện của sự tự nguyện và quyết tâm cao độ của nhà thơ. Tố Hữu muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa, đồng cảm và trải lòng với mọi người. Đặc biệt, ông dành sự quan tâm sâu sắc đến những mảnh đời bất hạnh và quần chúng lao động cùng khổ.
“Khối đời” là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người cùng chung cảnh ngộ, đoàn kết với nhau để phấn đấu vì mục tiêu chung. Có thể hiểu: khi cái tôi chan hòa trong cái ta, khi cá nhân hòa mình vào một tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân lên gấp bội. Qua khổ thơ này, Tố Hữu đã thể hiện được quan điểm, nhận thức mới mẻ của mình về lẽ sống, đó là sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người. Nhà thơ đã tìm được niềm vui và sức mạnh mới khi đặt mình giữa dòng đời và quần chúng nhân dân lao khổ.
Khổ thơ thứ ba cho thấy sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...”
Điệp ngữ "Là con”, “là em”, “là anh” cùng với số từ ước lệ “vạn” đã nhấn mạnh và khẳng định tình cảm gia đình đầm ấm, thân thiết. Nhà thơ dường như đã hòa mình, trở thành một thành viên trong đại gia đình quần chúng lao khổ.
Những từ ngữ như “kiếp phôi pha, “cù bất cù bơ” biểu hiện cho sự đau xót của nhà thơ trước những kiếp người bất hạnh, đồng thời bày tỏ sự căm giận trước những oan trái mà kẻ thù đã gây ra cho nhân dân. Tác giả coi mình cũng như một người vô danh “cù bất cù bơ” nhưng có tinh thần đoàn kết và kiên trung trong đại gia đình của những khối đời cùng khổ. Đến đây, có thể thấy được lí tưởng cộng sản không chỉ giúp Tố Hữu có được lẽ sống mới mà còn giúp ông vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai cấp tư sản để có được tình cảm giai cấp quý báu.
Về nghệ thuật, bài thơ như một khúc hoan ca với ngôn ngữ thơ gợi cảm, nhịp điệu linh hoạt, và mang đầy nhạc điệu. Qua các hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng, Tố Hữu đã truyền tải thành công cho người đọc nỗi niềm sung sướng, say mê của ông khi gặp mặt trời chân lí của đời mình.
Đề cập đến Tố Hữu, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nhận định : "thơ Tố Hữu ngay từ đầu đã là thơ yêu nước, nó đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người bị chà đạp. Nó ca ngợi cuộc đời, vì một tương lai tươi sáng cho dân tộc và cho cả loài người. Trong khi tiếng nói của thơ lãng mãn lúc bấy giờ là một tiếng thơ tuyệt vọng thì tiếng nói của thơ Tố Hữu giữa muôn nghìn gian khổ lại là tiến nói lạc quan". Có thể nói “Từ ấy” chính là bước ngoặc trong đời thơ cũng như đời làm Cách mạng của Tố Hữu. Kể từ đây cho đến khi "tạm biệt đời yêu quý nhất", ông đã sống, đã sáng tác theo đúng lí tưởng, mục đích mà mình theo đuổi.