Nội dung chính bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

[toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) tự là Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ra huyện Bình Dương - tỉnh Gia Định nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, ông là một người có tấm lòng yêu nước thương dân cả cuộc đời của ông đều có gắng đóng góp cho đất nước. Bị ốm và bị mù cả hai mắt, ông về quê dạy học và chuyển sang học thuốc.
  • Tác phẩm: Đêm ngày 16/12/1861, 20 nghĩa quân đã hi sinh trong trận chiến tấn công đồn Cần giuộc. Chính vì thế Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài văn tế này để ghi nhận công lao của những người nông dân áo vải trở thành những anh hùng đó. Bài văn viết theo thể loại văn tế. Là loại văn thường gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất, văn tế thường có nội dung cơ bản, kể lại cuộc đời công đức phẩm hạnh của người đã mất và bày tỏ tấm lòng xót thương sâu sắc. 

2. Phân tích văn bản

a. Phần lung khởi

  • Mở đầu là tiếng than: Hỡi ôi!.… đó là tiếng khóc của Đồ Chiểu. Lời than mở đầu đã nóng bỏng trong cái dữ dội của chiến tranh, đặt người nghĩa sĩ vào thử thách lớn của lịch sử.
  • Vận nước là thước đo lòng người: Súng giặc…lòng dân trời tỏ.
  • Cách dùng từ và lối so sánh mộc mạc, giản dị trong câu văn biền ngẫu đối xứng, bộc lộ ý nghĩa cao quí của sự hi sinh trong chiến đấu chống Pháp của người dân lao động Nam Bộ.

b. Phần thích thực

  • Nguồn gốc: Xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động nghèo khổ, cần cù, chất phác, hiền lành. Không phải lính chuyên nghiệp, chỉ quen công việc đồng áng, cuốc cày.
  • Tâm hồn: Khi giặc Pháp xâm lược, người nông dân lam lũ bỗng chốc trở thành người lính can trường, có lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Đất nước có giặc họ tự nguyện tham gia giết giặc.

Vậy, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đủ can đảm để bước ra khỏi toà lâu đài của ngôn ngữ bác học đến với túp lều cỏ của ngôn ngữ bình dân, phô bày hết lòng căm thù giặc của nông dân một cách mãnh liệt. Hệ thống ngôn từ Nam Bộ mạnh mẽ dứt khoát lột tả bản chất người nông dân quyết không đội trời chung với giặc. Nếu không có lòng yêu nước Nguyễn Đình Chiểu không thể hiểu thấu lòng người dân đến như vậy được.

  • Trang bị: Thô sơ, thiếu thốn. Không biết võ nghệ, không học binh thư, không phải lính chuyên nghiệp, đối lập hoàn toàn với kẻ thù.
  • Chiến đấu dũng cảm và anh dũng hi sinh
    • Tiến công như vũ bão: Đâm, chém, đạp, lướt, xô, liều, đẩy…
    • Coi cái chết nhẹ như lông hồng, hiên ngang trên chiến địa, chiến đấu hết mình, quên mình.
  • Ngôn ngữ góc cạnh, chính xác, hình ảnh so sánh, động từ mạnh, thể hiện sự xả thân vì nghĩa lớn của nghĩa quân.
  • Nguyễn Đình Chiểu không hề tô vẽ, mà cứ để nguyên một đám đông lam lũ, rách rưới, tay dao tay gậy ào ào xông vào đồn giặc. Lần đầu tiên Nguyễn Đình Chiểu đưa vào văn học bức tượng đài nghệ thuật về người nông dân lao động hoành tráng, hết mình, quên mình trong chiến đấu.

c. Phần ai vãn

  • Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ hiện lên từ dòng nước mắt của Đồ Chiểu, bao trùm toàn bộ bài văn tế là hình tượng tác giả.
  • Tiếng khóc Đồ Chiểu hợp thành bởi 3 yếu tố: Nước, Dân, Trời → Đồ Chiểu nhân danh vận nước, nhân danh lich sử mà khóc cho những người anh hùng xả thân cho Tổ Quốc. Tiếng khóc ấy có tầm vóc sử thi, tầm vóc thời đại.
  • Giọng điệu đa thanh giàu cung bậc tạo nên những câu văn thật vật vã, đớn đau.
  • Hình ảnh gia đình tang tóc, cô đơn, chia lìa, gợi không khí đau thương, buồn bã sau cuộc chiến.
  • Nhịp câu trầm lắng, gợi không khí lạnh lẽo, hiu hắt sau cái chết của nghĩa quân.
  • Tác giả sử dụng hình ảnh đẹp biểu hiện bề sâu cái chết cao quí của nghĩa sĩ.

d. Phần khốc tận

  • Tác giả đề cao quan niệm: Chết vinh còn hơn sống nhục. Nêu cao tinh thần chiến đấu, xả thân vì nghĩa lớn của nghĩa quân. Họ ra trận không cần công danh bổng lộc mà chỉ vì một điều rất giản đơn là yêu nước.
  • Đây là cái tang chung của mọi người, của cả thời đại, là khúc bi tráng về người anh hùng thất thế.

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Phân tích chi tiết văn bản

a. Phần 1 - Lung khởi

  • Mở đầu: “Hỡi ôi!”:
    • Tiếng than thể hiện tình cảm thương xót đối với người đã khuất
    • Tiếng kêu nguy ngập, căng thẳng của đất nước trước giặc ngoại xâm

Chi tiết nói lên tiếng than lay động lòng người, nỗi xót xa, đau đớn trong lòng tác giả

    • Nghệ thuật đối: “Súng giặc đất rền” – “Lòng dân trời tỏ” -> phác họa khung cảnh bão táp của thời đại
    • Hình ảnh không gian to lớn đất, trời kết hợp những động từ gợi sự khuếch tán âm thanh, ánh sáng rền, tỏ -> sự đụng độ giữa thế lực xâm lược hung bạo với vũ khí tối tân và ý chí chiến đấu của nhân dân ta.
  • Mười năm công võ ruộng – Một trận nghĩa đánh Tây
    • Người nông dân trở thành người nghĩa sĩ, yếu tố thời gian phản ánh sự chuyển biến, sự vùng dậy đấu tranh mau lẹ của người dân yêu nước.
    • Hoàn cảnh đất nước bị Pháp xâm lược và sự phản ứng mạnh mẽ đấu tranh chống trả của nhân dân.

b. Phần 2 - Thích thực (Hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ)

  • Trước khi giặc đến:
    • Lai lịch: là những người nông dân
    • Cuộc sống: cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy vốn quen làm...
    • Sử dụng từ láy (cui cút) tái hiện cuộc sống chịu khó, lam lũ, bao lo toan, vất vả nhưng vẫn nghèo túng của những người nông dân. Đó là cuộc sống gắn bó với ruộng đồng, con trâu, cái cày => họ hiền lành, chất phác.
    • Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ,...=> xa lạ, không hiểu biết với công việc nhà binh, chiến tranh.
  • Khi giặc đến: mùi tinh chiên vấy vá.../ ghét thói mọi..../bữa thấy bòng bong...=> hành động tội ác và sự hoành hành ngang nhiên, khiêu khích của quân thù diệt tàn cuộc sống của người nông dân
    • Lòng căm thù giặc kìm nèn qua các yếu tố thời gian: hơn 10 tháng, đã 3 năm đến mức phản ứng tự nhiên mà quyết liệt: muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ,...
    • Nhận thức: một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu -> nhận thấy trách nhiệm của mình trước hoàn cảnh đất nước.
    • Hành động: Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình ; chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ -> tự nguyện bổ sung vào đội quân chiến đấu với quyết tâm sắt đá.
  • Cuộc chiến đấu với kẻ thù của nghĩa sĩ Cần Giuộc:
    • Điều kiện chiến đấu: vô cùng khó khăn
      • Lực lượng: không quen binh đao
      • Vũ khí: vật dụng thô sơ
      • Binh thư, binh pháp: không quen, không biết
    • Chiến đấu:
      • Tinh thần: theo tình cảm tự nhiên, không tính toán, quả cảm, khí thế vũ bão
      • Hành động: đạp, xô, đấm, đánh, đâm, chém,...
  • Sử dụng một loạt các động từ gợi sức mạnh, tư thế hiên ngang, tinh thần quả cảm của nghĩa sĩ.
  • Bức tranh chiến trận thể hiện rõ tinh thần bão táp, hào hùng của người nghĩa sĩ Cần Giuộc.
  • Tượng đài nghệ thuật sừng sững, rực rỡ về hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc.

c. Phần 3 – Ai vãn

  • Bày tỏ lòng tiếc thương, sự cảm phục của tác giả và nhân dân đối với người nghĩa sĩ -> bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người viết
  • Tiếng khóc được cổng hưởng từ nhiều nguồn cảm xúc khác nhau:
    • Nỗi tiếc, ân hận của người phải hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở, chí nguyện chưa thành.
    • Nỗi xót xa của những gia đình mất người thân, tổn thân không thể bù đắp đối với những người mẹ già, vợ trẻ.
    • Nỗi căm giận kẻ thù gây nên nghịch cảnh éo le hòa chung tiếng khóc uất ức, nghẹn ngào trước tình cảnh đau thương của đất nước.
    • Niềm cảm phục và tự hào vì những người nông dân bình thường đã dám đứng lên bảo vệ từng tấc đất, ngọn rau, lấy cái chết làm rạng ngời chân lí cao đẹp: chết vinh còn hơn sống nhục.
    • Biểu dương công trạng của người nghĩa sĩ đời đời được nhân dân ngưỡng mộ và Tổ quốc ghi công.

Tiếng khóc không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư mà cao hơn, tác giả đã thay mặt nhân dân cả nước khóc thương và biểu dương công trạng của người liệt sĩ. Tiếng khóc không chỉ gợi nỗi đau thương mà còn khích lệ tinh thần chiến đấu của người còn sống.

d. Phần 4 - Kết

  • Hai câu cuối thể hiện niềm thành kính thiêng liêng của tác giả trước hình tượng người nghĩa sĩ nông dân: nước mắt anh hùng lau chẳng ráo -> giọt nước mắt chân thành của Nguyễn Đình Chiểu.
  • Bài văn tế kết thúc trong giọng điệu trầm buồn. Ngữ điệu câu không trọn vẹn thể hiện giây phút mặc niệm, cái nấc nghẹn ngào đến đau đớn của Đồ Chiểu, của bao người gửi đến những nghĩa sĩ đã ngã xuống vì đất nước
  • Ngợi ca công đức của họ

2. Tổng kết:

  • Nội dung: Bài văn tế là hình ảnh chân thực về người nông dân Việt Nam chống Pháp với lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng tuyệt vời của người nông dân Nam Bộ trong phong trào chống Pháp cuối XIX. Với bài văn tế này lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc có một tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân tương xứng với phẩm chất vốn có ngoài đời của họ.
  • Nghệ thuật: Chất trữ tình; thủ pháp tương phản và cấu trúc của thể văn biền ngẫu; ngôn ngữ vừa trân trọng vừa dân dã, mang đậm sắc thái Nam Bộ.
  • Ý nghĩa: Tác phẩm là tiếng nói yêu nước của tác giả, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân lần đầu đi vào văn chương với hình tượng người anh hùng.