Bài thi THPT quốc gia môn Sinh học dưới dạng trắc nghiệm gồm 40 câu (thời gian 50 phút). Để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, ngoài kiến thức môn học, chúng ta cần có kĩ năng làm bài hiệu quả. .

         Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, nhiều thí sinh vẫn còn hoang mang lo lắng, loay hoay tìm kiếm những cách học và cách làm bài thi hiệu quả, những học sinh lựa chọn môn Sinh học cũng không phải là ngoại lệ. Sau đây chúng tôi xin đưa ra một số lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm môn Sinh học để giúp thí sinh tăng hiệu quả khi làm bài thi.

         Môn sinh học vừa mang đặc thù của một môn khoa học tự nhiên lại vừa mang đặc thù của một môn khoa học thực nghiệm. Nội dung đề thi của kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, nhưng để nắm vững kiến thức và làm tốt bài thi, đòi hỏi thí sinh ôn thi tốt nghiệp – đại học phải có nền tảng cơ bản là kiến thức ở các cấp học trước đó.

1. Phân loại câu hỏi

        Trong đề thi, các câu hỏi với các mức độ khó dễ khác nhau, nên thí sinh phải có sự tính toán để tận dụng hiệu quả thời gian khi làm bài. Có 4 dạng câu hỏi:

- Câu hỏi nhớ: Là dạng câu hỏi khá dễ, chỉ đòi hỏi nắm kiến thức cơ bản và khi đọc câu hỏi có thể ghi ngay ra câu trả lời, cần tận dụng lấy chắc chắn điểm phần này. Tuy nhiên cũng chú ý vì càng dễ thường càng làm cho thí sinh mất cảnh giác.

- Dạng câu hỏi suy luận hoặc tính toán: Dạng này khó hơn dạng trên. Cần nắm được bài, làm chủ được công thức để suy nghĩ và tính toán trước khi lựa chọn. Trong đề thi lượng câu hỏi này thường xuyên gặp, chủ yếu là dưới dạng các bài tập.

- Dạng câu hỏi mơ hồ: Đây là dạng câu hỏi cảm thấy phân. Thực tế, câu hỏi này không phải khó đối với học sinh vì có thể kiến thức không được củng cố hoặc vì một lí do nào đó mà học sinh cảm giác không chắc chắn khi đi tìm câu trả lời. Với những câu hỏi này học sinh nên sử dụng phương pháp loại trừ.

- Dạng câu hỏi không trả lời được. Là câu hỏi vượt mọi khả năng, cố gắng của học sinh, mọi phương pháp suy luận đều vô ích. Đây là dạng câu mà trả lời một cách may rủi.

2. Quy trình 4 bước làm bài

Sau khi phân loại các câu hỏi như trên, học sinh bắt đầu làm bài thi với quy trình 4 vòng như sau:

- Bước 1: Đọc đề một lượt, những câu có thể trả lời ngay, tô liền vào phiếu trả lời, khi gặp câu hỏi lúng túng không thể trả lời được ngay mà cần phải có thời gian suy luận hoặc tính toán hãy đánh dấu câu đó trên tập câu hỏi, chuyển ngay sang câu khác và cứ như thế cho đến câu cuối cùng.

- Bước 2: Quay lại từ đầu để giải quyết câu hỏi mà trong vòng 1 chưa làm. Vòng này sẽ giải quyết câu hỏi cần suy luận hay tính toán trong khả năng của mình. Nếu những câu hỏi này quá khó hay hoàn toàn xa lạ thì chuyển ngay sang vòng sau.

- Bước 3: Với những câu hỏi quá khó, áp dụng kỹ thuật loại trừ để chọn phương án đúng và có điểm cho câu hỏi này.

- Bước 4: Còn lại những câu hỏi không thể dùng phương pháp loại trừ hay phương pháp khác, lúc này thí sinh chọn cách ngẫu nhiên (may rủi).

3. Một số lưu ý:

- Với câu hỏi khẳng định thì đáp án thường nằm ở câu hỏi dài nhất. 

- Với câu hỏi phủ định, đáp án thường nằm ở câu hỏi ngắn nhất. 

- Khi trống hết giờ thì bài làm phải tô đủ đáp án, trả lời tất cả các câu hỏi, tuyệt đối không để trống đáp án. Tuy nhiên, nên đánh cùng 1 đáp án cho các câu còn trống như vậy sẽ xác suất đạt điểm sẽ cao hơn.

- Trước khi nộp bài cần rà soát thông tinh như: số báo danh, họ tên, mã đề,...

Chúc các em học sinh ôn tập tốt và có kì thi THPT quốc gia thành công !!!