Giới thiệu về một nhân vật lịch sử được đề cập đến trong bài học..

Vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ có tên là Đinh Bộ Lĩnh, sinh ngày rằm tháng Hai năm Giáp Thân (924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng ( nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là Đinh Công Trứ làm quan Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An).

Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ là Đàm Thị về quê, nương thân với chú ruột là Đinh Dự ở chăn trâu. Ông thường cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, lập trận giả đánh nhau, tỏ rõ có tài chỉ huy. Bọn trẻ thường khoanh tay làm kiệu để rước ông như nghi vệ thiên tử.

Đến tuổi trưởng thành vốn là người có chí khí khác thường, thấy đất nước đang lâm vào cơn hỗn loạn, Đinh Bộ Lĩnh chiêu tập trước hết là các bạn thuở cờ lau tập trận, sau đến các nghĩa sĩ quanh vùng. Bấy giờ trong nước loạn lạc, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Nhờ thông minh mưu lược có khí phách, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ dấy nghĩa, mong lập nghiệp lớn, dân quanh vùng theo về rất đông.

Biết lực lượng của mình còn mỏng, Đinh Bộ Lĩnh sang xin theo sứ quân Trần Lãm (tức Trần Minh Công) ở Bố Hải Khẩu nay thuộc tỉnh Thái Bình. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người khôi ngô, có chí khí, có tài thao lược, lại là con trai của Đinh Công Trứ, người bạn đồng liêu, Trần Lãm mến tài gả con gái cho. Khi tuổi cao sức yếu Trần Lãm giao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục xây dựng lực lượng, thu phục nhân tài, phất cờ hiệu triệu dân chúng, đánh dẹp các sứ quân, đánh đâu thắng đó, uy danh lừng lẫy.