Bài tập 1: Ngữ cảnh của một từ là gì? Ngữ cảnh có vai trò thế nào trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe?
Trả lời:
Ngữ cảnh của một từ là những yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ xung quanh nó. Như vậy, ngữ cảnh có thể là một tình huống, một đoạn văn, một câu, một cụm từ và cũng có thể là một từ. Ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe.
Bài tập 2: Khi gặp một từ không biết nghĩa, chúng ta có thể dựa vào đâu để xác định nghĩa của từ? Cho ví dụ.
Trả lời:
Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ.
VD: Con đường này có nhiều đoạn gấp khúc ngắn, nối nhau liên tiếp rất nguy hiểm nhưng không có biển báo đường khúc khuỷu.
-> Cần dựa vào ngữ cảnh là các cụm từ "nhiều đoạn gấp khúc ngắn", "nối tiếp nhau liên tiếp" để xác định nghĩa của từ "khúc khuỷu".
Bài tập 3: Đọc đoạn thơ sau:
Trong khoảnh khắc sách, bài là giấy cũ,
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi, em trông.
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
(Xuân Tâm, Nghỉ hè)
Sự xuất hiện của từ "phượng" bên cạnh từ "huyết" trong đoạn thơ trên có làm thay đổi cách hiểu thông thường về từ "huyết" không? Xác định nghĩa của từ "huyết" trong đoạn thơ trên.
Trả lời:
Sự xuất hiện của từ "phượng" bên cạnh từ "huyết" đã làm thay đổi cách hiểu thông thường về từ "huyết"(máu). Trong đoạn thơ này, "huyết" không được dùng với nghĩa "máu" mà dùng để chỉ màu đỏ rực của hoa phượng.
Bài tập 4: Đọc đoạn thơ sau:
Tôi nằm nghe trái tim mình ca hát
Trên ngực tôi nằm ngủ một con mèo
(Anh Ngọc, Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi)
a. Xác định nghĩa của từ "ca hát" trong đoạn thơ trên.
b. Dựa vào đâu em xác định được nghĩa ấy của từ?
Trả lời:
a. Từ “ca hát” (xuất hiện sau cụm từ “trái tim mình”) trong đoạn thơ được dùng để chỉ trạng thái tinh thần vui sướng. b. Căn cứ để xác định được nghĩa của từ “ca hát” là ngữ cảnh xung quanh, đặc biệt là từ “trái tim” đi cùng với động từ “ca hát”.
Bài tập 5: Đọc đoạn thơ sau:
Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng
Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu
Trải tâm tư dưới trời trăng sáng
Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu!
(Xuân Quỳnh, Khát vọng)
a. Dựa vào ngữ cảnh, hãy xác định nghĩa của từ “cháy bỏng”.
b. Đặt một câu có từ “cháy bỏng” được dùng với nghĩa trên.
Trả lời:
a. Từ "cháy bỏng"(đi cùng từ "ước mơ") được dùng để chỉ ý "mãnh liệt"
b. Em có một khát khao cháy bỏng đó là được điểm 10 môn Toán cuối kì.
Bài tập 6: Đọc đoạn thơ sau:
Em bé nhìn đóm bay, chờ tiếng bàn chân mẹ
Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa
Trời về khuya lung linh trắng
vườn hoa mận trắng
Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ.
(Vũ Quần Phương, Đợi mẹ)
a. Mẹ đã bé ai vào nhà? Vì sao em biết?
b. Em có nhận xét gì về cách viết cấu thơ cuối trong đoạn thơ trên?
Trả lời:
a. Dù tác giả viết mẹ bế vào nhà “nỗi đợi vẫn nằm mơ" nhưng chúng ta hiểu mẹ đã bế em bé đang mơ ngủ vào nhà. Ngữ cảnh của đoạn thơ với các câu mô tả em bé đang chờ mẹ trong đêm cho phép ta hiểu như vậy.
b. Câu thơ “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ” diễn tả một cách hình tượng. độc đáo, làm rõ tình yêu mẹ của bé (chờ đợi đến ngủ quên ngoài đầu hè) cũng như tình yêu bé của mẹ (âm yếm, thương yêu). Hình ảnh ví bé như “nỗi đợi vẫn nằm mơ” là một cách nói rất độc đáo, thi vị.