Giải bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226) - Sách lịch sử và địa lí 7 chân trời sáng tạo. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học..
1. Sự thành lập nhà Lý
Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong bài và tư liệu 15.2, em hãy:
- Cho biết nhà Lý được thành lập trong hoàn cảnh nào?
- Giải thích vì sao Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La? Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này.
Câu trả lời:
- Hoàn cảnh thành lập của nhà Lý: Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, các nhà sư và đại thần trong triều suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý.
- Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La vì:
+ Địa thế của Thăng Long rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước lâu dài, có đồng bằng rộng lớn, màu mỡ.
+ Hoa Lư là vùng đất hẹp, nhiều núi đá, hạn chế sự phát triển lâu dài của đất nước.
- Việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La thể hiện quyết định sáng suốt của vua Lý Công uẩn, tạo đà cho sự phát triển đất nước. Sự kiện dời đô cũng cho thấy Đại Việt đã đủ lớn mạnh và là một quốc gia độc lập tự chủ, tự cường.
2. Tình hình chính trị
Câu hỏi: Nhà Lý đã làm gì để củng cố chế độ quân chủ?
Câu trả lời:
Để củng cố chế độ quân chủ, nhà Lý đã thực hiện:
- Tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương.
+ Vua đứng đầu nhà nước, cha truyền con nối, cử người thân giữ các chức vụ quan trọng.
+ Các quan đại thần giúp vua lo việc nước
+ Cả nước được chia thành 24 lộ, phủ, ở miền núi gọi là châu; dưới lộ là huyện, hương.
+ Đơn vị cấp cơ sở là xã.
- Năm 1042, nhà Lý ban hành bộ luật Hình thư.
- Các vua Lý còn cho đặt chuông trước điện Long Trì, người dân có điều gì oan ức sẽ đánh chuông tâu lên vua.
3. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075 - 1077)
Câu hỏi:
- Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077) có những nét độc đáo gì?
- Lý Thường Kiệt có vai trò như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Tống?
Câu trả lời:
- Những nét độc đáo của cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075-1077):
+ Sớm phát hiện được âm mưu của kẻ thù, nhà Lý đã chủ động tiến công địch, đẩy địch vào thế bị động.
+ Lý Thường Kiệt lựa chọn và xây dựng phòng tuyến phòng ngự vững chắc trên sông Như Nguyệt.
+ Quân ta tiêu diệt thủy quân của địch, không cho thủy quân tiến sâu vào hỗ trợ cánh quân đường bộ.
+ Sử dụng chiến thuật “công tâm”: đánh vào tâm lí của địch bằng bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”
+ Lý Thường Kiệt cho chủ động tấn công quy mô lớn vào trận tuyến của địch khi thấy địch yếu.
+ Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến sự bằng biện pháp mềm dẻo, thương lượng, đề nghị “giảng hòa” dù quân ta đang có lợi thế chiến thắng để hạn chế tổn thất.
- Lý Thường có vai trò chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075 - 1077). Ông là người chỉ huy cuộc kháng chiến và đưa ra đường lối kháng chiến đúng đắn giúp dẹp tan quân Tống.
4. Tình hình kinh tế, xã hội
Câu hỏi:
- Nhà Lý đã có những biện pháp gì để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp?
- Trình bày những nét chính về tình hình phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý? Kể tên một số địa danh nổi tiếng về nghề thủ cồng và buôn bán thời kì này.
- Mô tả vài nét về đời sống xã hội thời Lý.
Câu trả lời:
Những biện pháp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp của nhà Lý:
- Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp phát triển sản xuất nông nghiệp:
+ Hàng năm, vua thực hiện lễ cày ruộng tịch điền để khuyến khích nhân dân sản xuất.
+ Định ra nhiều luật lệ để bảo vệ sản xuất và sức kéo cho nông nghiệp.
+ Cho nông dân nhận ruộng đất công cày cấy và nộp thuế cho nhà nước.
+ Thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông" đảm bảo sức lao động trong sản xuất nông nghiệp.
+ Tổ chức làm thuỷ lợi và đắp đê điều.
+ Khuyến khích khai khẩn đất hoang.
Những nét chính về tình hình phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý:
- Về thủ công nghiệp: khá phát triển
+ Thủ công nghiệp bao gồm 2 bộ phận: thủ công nghiệp nhà nước (đúc tiền, chế tạo vũ khí,..) và thủ công nghiệp nhân dân (chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, làm đồ gốm, gạch ngói, đúc đồng, rèn sắt,...)
+ Nhiều làng nghề ra đời.
+ Một số địa danh nổi tiếng về nghề thủ công: làng gốm Bát Tràng, làng dệt Nhược Công, làng trồng dâu nuôi tằm Nghi Tàm, làng trồng cây thuốc nam và chế biến thảo dược Đại Yên.
- Về thương nghiệp:
+ Tiền đồng được sử dụng phổ biến hơn trước.
+ Việc trao đổi buôn bán trong và ngoài nước được mở rộng.
+ Nhiều chợ ở Thăng Long và biên giới Việt - Tống được thành lập.
+ Tại cảng biển Vân Đồn, thuyền bè nước ngoài qua lại buôn bán tấp nập.
+ Một số địa danh nổi tiếng về buôn bán thời kì này: chợ cửa Đông, chợ Tây Nhai, chợ Cửa Nam, cảng Vân Đồn.
* Vài nét về đời sống xã hội thời Lý:
- Xã hội ngày càng phân hoá
+ Vua, quý tộc, quan lại là tầng lớp thống trị, có nhiều đặc quyền.
+ Địa chủ ngày càng gia tăng và có thế lực lớn.
+ Nông dân chiếm đa số, là lực lượng sản xuất chính, các "đinh nam" được làng xã chia ruộng đất, phải nộp thuế và phục vụ nhà nước.
+ Thợ thủ công và thương chiếm khá đông.
+ Nô tì có địa vị thấp kém nhất, phục vụ trong triều đình và các gia đình quan lại.
5. Những thành tựu tiêu biểu về văn hóa - giáo dục
Câu hỏi:
- Trình bày những thành tựu văn hoá - giáo dục tiêu biểu thời Lý.
- Việc xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên có ý nghĩa như thế nào?
Câu trả lời:
Những thành tựu văn hoá - giáo dục tiêu biểu thời Lý:
- Về giáo dục
+ Năm 1070, Lý Thánh Tông xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long.
+ Năm 1075, triều đình tổ chức khoa thi đầu tiên.
+ Năm 1076, Quốc Tử Giám được mở ra để dạy học cho con em quý tộc, quan lại.
- Về văn học:
+ Văn học chữ Hán bước đầu phát triển, một số tác phẩm còn giá trị giáo dục đến thời nay như "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn, "Nam quốc sơn hà", "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư,...
- Về tôn giáo:
+ Vua quan nhà Lý và nhân dân đều tôn sùng đạo Phật. Việc xây chùa, đúc chuông, tạc tượng Phật,... được coi là việc của triều đình.
+ Nho giáo bước đầu có vai trò trong xã hội.
+ Đạo giáo thịnh hành, gắn kết với các tín ngưỡng dân gian.
- Về kiến trúc: nhiều công trình nổi tiếng như chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, chùa Một Cột, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long,...
- Về nghệ thuật điêu khắc:
+ Phát triển đa dạng, độc đáo và tinh tế được thể hiện trên các tượng Phật, các bệ đá hình hoa sen hay trên đồ gốm.
+ Hình tượng con rồng mình trơn, toàn thân uốn khúc mềm mại, uyển chuyển là một hình tượng nghệ thuật độc đáo thời Lý.
=> Việc xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên đã cho thấy sự quan tâm của nhà Lý đối với giáo dục, coi trọng người hiền tài và công cuộc xây dựng đất nước. Nhà Lý chú trọng bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những người tài giỏi để bổ nhiệm làm quan, cùng tham gia xây dựng đất nước.
B. Bài tập và hướng dẫn giải
Câu hỏi phần luyện tập
Câu hỏi 1: Từ thông tin bài học, hãy vẽ sơ đồ tư duy thể hiện những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá, giáo dục thời Lý.
Câu hỏi phần vận dụng
Câu hỏi 2: Hãy sưu tập tư liệu và chọn giới thiệu một di sản lịch sử - văn hoá thời Lý mà em thích nhất. Giải thích vì sao?
Câu hỏi 3: Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý để lại những bài học gì cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay?