Hướng dẫn học bài viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ trang 36 sgk ngữ văn 6 tập 2. Đây là sách giáo khoa nằm trong bộ sách "Chân trời sáng tạo" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn..
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc về một bài thơ.
Bài thơ "Đất nước"- Nguyễn Khoa Điềm.
Đất nước là hình tượng trữ tình lớn, là cảm xúc nghệ thuật của nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Trong trích đoạn bài thơ "Đất nước", những cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đạt tới một tầm vóc triết học sâu sắc. Trước tiên, đất nước hiện lên trong chiều dài của thời gian. Bên cạnh “thời gian đằng đẵng” là “không gian mênh mông”. Có không gian gắn với sự sinh tồn của cả cộng đồng: “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, gắn với cuộc đời riêng tư của mỗi cá nhân; “Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm”... Đất nước còn hiện lên trong bề sâu văn hóa - phong tục mang đậm bản sắc Việt Nam. Từ một nét phong tục: “Tóc mẹ thì bới sau đầu” cho đến nghi thức thiêng liêng của ngày giỗ Tổ. Lịch sử của đất nước được tác giả nhấn mạnh là lịch sử của hàng nghìn lớp người “không ai nhớ mặt đặt tên - Nhưng họ đã làm ra đất nước”. Cũng chính nhân dân là người đã sáng lập, giữ gìn dòng chảy văn hóa của đất nước: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng - Họ truyền lửa.. - Họ truyền giọng điệu... - Họ gánh theo tên xã, tên làng...”. Ngay cả đối với những vật tưởng rất mực bé nhỏ như “hạt gạo” thì tác giả vẫn có sự cảm nhận thật sâu sắc từ những thời điểm cụ thể: “một nắng hai sương” - “xay” - “giã” - “giần” - “sàng”. Ở đâu, trong bất kì biểu hiện nhỏ bé nào cũng mang hình đất nước. Đất nước được kéo gần lại thân quen, gắn bó máu thịt với con người.