Giải SBT ngữ văn 6 bài 6: Đọc hiểu – Cô bé bán diêm sách "Cánh diều". Trắc nghiệm Online sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn..
Câu 1: Trong truyện, cô bé bán diêm được miêu tả với đặc điểm:
A. nhà nghèo, mô côi cha B. đầu trần, áo bông
C. chân đất, bụng đói D. mồ côi mẹ, chân đi giày
Trả lời:
Đáp án: C. chân đất, bụng đói
Câu 2: Khi quẹt que diêm thứ nhất, em bé đã tưởng tượng ra một bàn ăn thịnh soạn với khăn trải bàn trắng tinh, bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay.
A. Đúng B. Sai
Trả lời:
Đáp án: B. Sai
Câu 3: Vì sao sau khi que diêm thứ tư phụt tắt, em bé đã quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao?
Trả lời:
- Que thứ tư là người bà thân thương của cô bé, cô không muốn bà đi mà muốn bà ở lại, bà là ánh sáng ấm áp duy nhất trong lòng cô bé.
Câu 4: (Câu hỏi 2, SGK) Hãy tìm những chỉ tiết hiện thực và mộng ảo mà nhà văn đã sáng tạo ra để khắc hoạ hoàn cảnh và ước mơ của cô bé bán diêm. Qua đó, em có nhận xét gì về nhân vật này?
Trả lời:
- Chi tiết hiện thực: Em bé bán diêm nhà nghèo, mồ coi mẹ, đầu trần, đã từng có những ngày đầm ấm, rồi sau đó là những ngày nghèo khổ và sống trong sự máng chửi sau khi bà mất, em ngồi nép vào giữa hai tòa nhà và sáng hôm sau người ta thấy em chết vì giá lạnh giữa những que diêm đã đốt.
- Chi tiết kì ảo: Em quẹt que diêm thứ nhất thấy có lò sưởi ấm áp, em quẹt que diêm thứ hai có bàn ăn trải khăn trắng tinh và những món ăn ngon, đồ vật quý giá, em quẹt que diêm thứ 3 thì hiện lên một cây thông nô en trang hoàng rực rỡ, em quẹt thêm một que diêm nữa thì bà xuất hiện và đang mỉm cười với em.
Câu 5: (Câu hỏi 3, SGK) Theo em, ý nghĩa của câu chuyện trên là gì?
Trả lời:
- Theo em, câu chuyện gửi đến thông điệp của lòng nhân ái. Khi em bé vẫn còn sống đã rất đau khổ, giá lúc ấy có người cho em một đôi giày hay để em ngồi sười ấm ở lò sưởi cháy rực nhà mình thì có lẽ kết cục này đã không xảy ra.
Câu 6: (Câu hỏi 4, SGK) Em hãy tìm một số chỉ tiết trong văn bản đề chứng tỏ truyện Cô bé bán diêm có đặc điềm của truyện cổ tích (Gợi ý: kiểu nhân vật, cách kết thúc truyện, ý nghĩa,...).
Trả lời:
- Chuyện có những yếu tố hoang đường kì ảo như khi em bé quẹt que diêm của mình lên thì những mong ước tự đáy lòng em liền hiện ra,..
- Chuyện có mô típ những người bất hạnh, nhỏ bé, nghèo khổ và kết luôn là bắt đầu cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Câu 7: Tìm và dẫn ra một bài viết phân tích truyện Cô bé bán điêm để hiểu thêm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm này.
Trả lời:
NHỮNG LẦN QUẸT DIÊM CỦA CÔ BÉ BÁN DIÊM
Theo nhà tâm lý học người Hoa Kỳ Abraham Maslow, con người luôn có những cấp độ khác nhau về nhu cầu, bao gồm nhu cầu tồn tại hay sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự hoàn thiện. Câu chuyện Cô bé bán diêm của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng An-đéc-xen với nội dung chính là bốn giấc mơ của cô bé bán diêm tội nghiệp đã thể hiện niềm khao khát về những nhu cầu cấp thiết nhất của con người là tồn tại, an toàn và xã hội. Thế nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, đã đẩy cô bé đến bước đường cùng là cái chết thương tâm bên cạnh bao diêm cháy dở, khiến những giấc mơ ấy mãi chỉ là ảo mộng. Từ đó chúng ta rút ra được những bài học sâu sắc về sự thấu hiểu thông cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh trong xã hội, đặc biệt là trẻ em, lứa tuổi vốn dĩ phải được hưởng hạnh phúc, sự giáo dục và những gì tốt đẹp nhất chứ không phải là lăn lộn mưu sinh kiếm sống vất vả.
Câu chuyện trên kể về một cô bé bán diêm nghèo khổ, lầm lũi trong đêm giao thừa với hy vọng mỏng manh có thể bán được thêm vài bao diêm, vì cả ngày em chưa bán được bao nào. Nhưng vì quá mệt mỏi và lạnh giá mà em ngồi vào một góc tường, rồi hồi tưởng về quá khứ, thật tội nghiệp và đau đớn khi cô bé vốn dĩ cũng có một cuộc sống sung túc, khá giả thế nhưng sự ra đi của người bà mà em hằng yêu quý dường như đã mang đi tất cả những niềm hạnh phúc ấy của em. Cô bé từ cảnh sung sướng phải vật lộn kiếm sống trong giá rét, điều ấy khiến em thấy đau khổ và tủi thân vô cùng, đặc biệt là khi người thân duy nhất của em là bố cũng không hề thương yêu em, luôn đánh đập và hành hạ cô bé bất hạnh.
Trước cái rét buốt cắt da cắt thịt, trước hoạt cảnh đường phố vắng lặng, nhà nhà sum họp đón giao thừa, thì việc được đốt một que diêm sưởi ấm là niềm mong mỏi nhỏ nhoi của cô bé tội nghiệp. Thế rồi em đánh liều đốt một cây diêm để sưởi ấm, ánh lửa trong đôi mắt cô bé hiện lên thật đẹp và kỳ diệu "ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng quanh que gỗ trông thật vui mắt", có lẽ đây là niềm vui hiếm hoi của cô bé kể ừ khi bà mất. Và trong cái ấm áp ít ỏi của que diêm cô bé đã tưởng tượng ra một chiếc lò sưởi ngay trước mắt, đó chính là hiện thân của những khao khát mong mỏi trong lòng cô bé, là nhu cầu được tồn tại, được an toàn trước cái rét buốt cắt da cắt thịt. Cô bé khao khát được sưởi ấm, được ngồi trong một căn phòng có lò sưởi, để xua đi cái lạnh giá khổ cực giữa đêm đồng cùng với cái cô đơn cùng cực đến thương tâm của một đứa trẻ tội nghiệp. Thế nhưng khi que diêm vụt tắt cũng là lúc giấc mơ của em khép lại, chẳng có lò sưởi nào cả, hiện thực vẫn rất tàn nhẫn, em vẫn cô độc giữa đêm giao thừa đón nhận cái giá rét và nỗi buồn tủi cho thân phận mình. Chính điều đó đã thôi thúc em quẹt tiếp que diêm thứ hai.
Trong lần quẹt diêm thứ hai, cô bé không còn nhìn thấy lò sưởi mà thay vào đó cô bé nhìn thấy một căn phòng sáng sủa đẹp đẽ, "bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa quý giá, và có cả một con ngỗng quay...". Đây có thể nói là một giấc mơ có mức độ cao hơn giấc mơ còn lại, cô bé mơ thấy căn phòng ấm áp, mơ thấy ngỗng quay là biểu hiện của những khát khao được bù đắp về thể xác trước cái đói và cái lạnh đang hành hạ cô bé tội nghiệp. Đó là những nhu cầu cấp thiết đối với một con người, đặc biệt là với trẻ con vốn đang ở tuổi ăn tuổi lớn, mong ước của em chỉ đơn giản là được ăn ngon, mặc ấm, thế nhưng cuộc sống bất hạnh đã không cho em được điều ấy. Diêm tắt cô bé bị trả về với thực tại phũ phàng, không có căn phòng, không có ngỗng quay chỉ có đêm tối lạnh lẽo cùng với những con người đi lại chuẩn bị đón giao thừa và không ai chú ý đến một đứa bé tội nghiệp sắp chết vì đói và lạnh, đó là nỗi cô đơn khổ sở vô cùng.
Ở lần quẹt diêm thứ ba em thấy một cây thông nô-en lớn và lộng lẫy vô cùng điều ấy thể hiện khao khát được đoàn viên, được hạnh phúc bên gia đình trong khoảnh khắc giao thừa. Trong sự đau khổ về nỗi cô đơn và cuộc sống thiếu tình yêu thương thì nhu cầu xã hội, nhu cầu được hưởng những niềm vui trong cuộc sống của em lại càng trở nên mạnh mẽ hơn cả.
Cuối cùng trong lần quẹt diêm thứ tư, cô bé đã nhìn thấy người bà yêu quý của mình, điều đó có nhiều ý nghĩa. Có thể nói người bà chính là tổng hòa những khát khao, những mong muốn mà cô bé hằng mơ ước, bởi khi người bà còn sống, dưới đôi tay yêu thương của bà cô bé đã từng có một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ, ăn no mặc ấm, được quây quần hạnh phúc bên gia đình, được hưởng sự yêu thương, chăm sóc, đối lập hoàn toàn với cuộc sống hiện tại. Hình ảnh người bà xuất hiện cũng là đại diện cho sự thiếu thốn tình cảm trong cô bé, bởi khi đối mặt với cuộc sống khó khăn vất vả có thể cô bé sẽ không cảm thấy quá bất hạnh nếu như người cha yêu thương và chăm sóc cô bé, không để em phải buôn ba vất vả mưu sinh giữa đêm giao thừa. Chính vì vậy em khao khát có được tình yêu thương, hơi ấm tình thân hơn tất cả những giá trị vật chất bình thường khác. Sự xuất hiện của người bà trong giấc mơ cũng là báo hiệu cho sự kết thúc những đau khổ trong cuộc đời của cô bé, bởi chỉ có ở bên bà em mới thấy mình được hạnh phúc, dù rằng kết thúc câu chuyện là cái chết của cô bé bán diêm trước thềm năm mới. Nếu suy nghĩ lạc quan, chúng ta có thể nghĩ rằng cô bé đã được bà đưa đi, đến một nơi không còn lạnh lẽo đói khát, khổ đau để bắt đầu một cuộc sống mới, như một năm mới vừa bắt đầu.
Bốn giấc mơ của cô bé bán diêm cho ta thấy được những nhu cầu, mong ước của từng đứa trẻ, từng con người trong cuộc sống đó là những mong muốn cấp thiết nhất. Được ăn uống, sưởi ấm, được yêu thương, được sống bên người thân, vốn dĩ là những quyền chính đáng mà mọi trẻ em trên thế giới này đều phải được hưởng. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, vẫn có đầy rẫy những số phận bất hạnh, đặc biệt là trẻ em, điều đó đã giáo dục, thúc đẩy mỗi chúng ta biết cảm thông và sẻ chia nhiều hơn với những số phận kém may mắn, những mảnh đời bất hạnh.