Đề bài: Nêu ý kiến của anh/chị về chủ đề của truyện ngắn Hai đứa trẻ. Theo anh/chị, đó là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn và những cuộc đời tàn tạ hay là câu chuyện về niềm khát kháo vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn - bài mẫu 1 - Ngữ văn lớp 11.
Bài viết:
Thạch Lam được biết đến là một cây viết cứng và khỏe của nhóm Tự lực văn đoàn. Các tác phẩm của ông luôn khiến độc giả và rất nhiều nhà phê bình phải lưu tâm và nó để lại dấu chấm hỏi lớn đáng suy ngẫm. Những tác phẩm của ông được ví như “truyện mà không có cốt truyện”, song hàm chứa trong nó lại là những băn khoăn, trăn trở mà tác giả gửi gắm. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được coi là một dấu ấn lớn trong sự nghiệp của Thạch Lam. Có ý kiến băn khoăn “truyện là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn và những cuộc đời tàn hay là câu chuyên về niềm khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn?”. Vậy theo bạn ý kiến của bạn là gì?
Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam chủ yếu hướng về cuộc sống quẩn quanh bế tắc đến tội nghiệp của những người dân nghèo khổ nơi phố huyện. Đó là tàn dư của chế độ thực dân nửa phong kiến mà con người phải hứng chịu trước cách mạng tháng Tám -1945. Vì thế có thể khẳng định trước hết đó là câu chuyện về một ngày tàn, một phiên chợ tàn và một cuộc đời tàn.
Mở đầu câu chuyện đó là khung cảnh của một phiên chợ tàn vùng quê nghèo xơ xác “Chiều chiều rối, một chiều êm ả như ru văng vẳng tiếng ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Đó cũng là một buổi chiều với tiếng trống thu không như gọi chiều yên ả và tĩnh mịch đến cô liêu. Hình ảnh mặt trời đỏ rực, những cây tre quen thuộc,…. Như càng tô đậm vẻ tịch liêu đến hoang xơ nơi vùng quê yên bình. Đó cũng là dấu hiệu bắt đầu của màn đêm buông xuống, “một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát”. Tất cả khung cảnh vũ trụ chìm vào bóng đen mịt mờ bóng tối bao trùm mọi cảnh vật.
Nỗi buồn đó càng được khắc họa rõ nét qua cảm nhận của nhân vật Liên “Liên không hiểu vì sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Dẫu không có bất cứ lời văn nào u uất hay thấm đẫm buồn thương thế nhưng Thạch Lam đã phần nào khiến người đọc mường tượng ra được không gian một buổi chiều tà đầy lặng lẽ buồn thương đến nao lòng.
Đây cũng là lúc mọi hoạt động của con người dường như cũng tạm ngưng. Nó càng khiến cho lòng người trở nên ảm đạm và chan chứa nỗi niềm xúc động.
Ai đó đã từng nói “muốn biết tình hình đời sống của một khu dân cư chỉ cần nhìn vào buổi chợ của những con người nơi đó”. Những thứ xót lại của buổi chợ tiêu điều này sẽ cho bạn cảm nhận được về cuộc sống con người nơi đây. “Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía”. Đó là những thứ biểu trưng cho sự nghèo nàn xơ xác đời sống khốn khó của người dân nơi đây. Những dư vị còn xót lại của phiên chợ chỉ còn là mùi đất xộc lên. Chao ôi cái mùi vị của cuộc sống nghèo khó, lầm than đến xót xa tội nghiệp.
Hòa cùng với khung cảnh tiêu điều đó là những mảnh đời héo hon đến tội nghiệp. Lầm lũi trong bóng đêm càng tô đậm sự cô tịch. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo lom khom mặt đất lạnh nhạnh những thanh nứa thanh tre hay bất thứ cái gì có thể dùng được của những người bán hàng để lại”. Đáng nhẽ ở cái tuổi ấy chúng sẽ được đến trường, được vui chơi tận hưởng một cuộc sống vui vẻ thế nhưng lại phải bon chen đánh vật với cuộc sống mưu sinh. Hình ảnh những người lớn cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu. Chị tí mò cua bắt tép đến tối lại dọn cái chõng tre ra bán nước, bác phở Siêu với gánh hàng phở ê ẩm khốn khó, anh phu xe, chị hàng gạo…. Những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh như chìm vào trong bóng tối của màn đêm ảm đạm.
Trong cái hoàn cảnh đó, Liên và an cũng không thoát ra được cái nghèo. Từ ngày bố mất việc rời Hà Nội về sống với mảnh đất nghèo khó này. Mẹ chúng lăn lộn với gánh hàng xáo, hai chị em trông coi cái cửa hàng tạp hóa bé xíu. Tuổi thơ của chúng cũng không được học hành tử tế, thậm chí đối với hai chị em bát phở của bác Siêu cũng trở thành những món quà vặt đầy xa xỉ.
Không gian tiêu điều của phố huyện càng được tô điểm bởi những hột sáng hắt ra từ ngọn đèn Hoa Kì vặn nhỏ của chị em Liên, của ánh đèn của chị Tí và bác Phở Siêu. Tưởng rằng những thứ ánh sáng ấy có thể khiến không gian sáng sủa hơn nhưng nó chỉ làm cho bóng đêm trở nên thăm thẳm hơn. Hình ảnh ngọn đèn con ở chõng tre của chị Tí đã trở thành những hình ảnh có sức gợi đặc biệt. Nó tô đậm sự nhỏ nhoi của những mảnh đời khiến tâm trạng người đọc trở nên u buồn day dứt.
Cái ngày tàn của phố huyện sẽ là những chuỗi ngày nối tiếp nhau dài bất tận, ngày mai, ngày kia và hôm nào cũng thế. Thế nhưng dường như sự nghèo đói không khiến ước mơ của con người bị dập tắt. Bởi con người nếu không có hi vọng sẽ không thể tồn tại được. Họ vẫn mong chờ vào một thứ gì thật tươi sáng mặc dù đó là những thứ rất mơ hồ. Hình ảnh những đứa trẻ ngóng chờ sự xuất hiện của đoàn tàu đêm càng khắc họa mảnh đời bất hạnh ở đó.
Sự đối lập giữa khung cảnh bên ngoài với sự nhộn nhịp của đoàn tàu càng khiến khung cảnh bên ngoài của thêm đìu hiu. Họ chờ đợi để bán hàng dù chỉ đôi bao diêm gói thuốc thế nhưng nó mang đến giá trị tinh thần lớn lao. Đã là thứ khát vọng gửi gắm vào thứ ánh sáng phồn hoa kia dù nó rất mơ hồ. Khát vọng vì một ngày mai tươi sáng những mảnh đời bất hạnh sẽ không còn lầm than nữa. Đây chính là dụng ý nghệ thuật cũng là sự nhạy cảm về tâm hồn của Thạch Lam.
Có thể nói trong tác phẩm này Thạch Lam đã khắc họa thành công một buổi chợ tàn, một buổi chiều tàn và một cuộc đời tàn bên cạnh đó còn gửi gắm những khát vọng vì cuộc sống tươi sáng. Hình ảnh đoàn tàu mang ý nghĩa ẩn dụ lớn lao thể hiện giá trị tinh thần nhân đạo mà nhà văn gửi gắm vào tác phẩm của mình.