Đề bài: Thuyết minh về một lễ hội đặc trưng ngày xuân.
Bài viết tham khảo
Bắc Ninh – xứ sở của những làn điệu quan họ, nơi mà chỉ nhắc tên thôi người ta đã xốn xang, xao xuyến bởi những giai điệu say đắm, thiết tha. Mùa xuân về không những mang đến cho Bắc Ninh không khí tàn ngập sức sống mà còn là dịp để lễ hội nổi tiếng nơi đây được tổ chức – Hội Lim. Hội Lim là một trong những lễ hội đặc trưng ngày xuân trên quê hương Việt Nam.
Kinh Bắc xưa kia nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích văn hoá. Có lẽ vì thế khi nhắc tới lịch sử, nguồn gốc hội Lim, có giả thuyết cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết sông Tiêu Tương ở các làng quê vùng Lim, căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương và tính chất, đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ XVIII. Ông Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình lăng Hồng Vân trên núi Lim. Ghi nhớ những công lao, đóng góp của ông, khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng. Họ dựng Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) ở đình thôn Đình Cả để ghi chép rõ lai lịch, công trạng và việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn. Song nhiều năm tháng qua đi, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa và những đổi thay.
Hội Lim được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hằng năm, ở huyện Tiên Du. Lễ hội gồm có hai phần: phần lễ và phần hội. Trước khi bắt đầu, công việc chuẩn bị tập rượt diễn ra rất chu đáo, từ ngày 9 và 10. Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim.
Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Lễ rước mở đầu hội với đoàn rước là đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cầu kì, đẹp mắt, kéo dài tới cả gần cây số. Đặc biệt trong phần lễ có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải có mặt đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào để hát thờ. Họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần
Phần hội cũng vô cùng sôi động bởi nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm. Nhưng nhất định phải kể đến phần hát hội. Hội thi hát diễn ra lúc gần trưa, tổ chức hát quan họ trên du thuyền. Trên hồ nước nhỏ, chiếc thuyền rồng rời bến trong âm thanh những câu hát quan họ đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị duyên dáng trong những tà áo tứ thân, đội nón quai thao còn ở phía đầu và cuối thuyền là các liền anh mặc áo dài đội khăn xếp. Tối ngày 12 âm lịch, các làng quan họ sẽ thi hát với nhau. Mỗi làng quan họ được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hay nhất trong cả lễ hội Hội Lim. Những làn điệu quan họ được lưu truyền từ bao đời nay vang lên, làm say lòng người bởi sự ngọt ngào từ lời ca, giai điệu chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị Bắc Ninh.
Hội Lim là một sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời ở xứ Bắc và dân ca Quan họ đã trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ. Hội Lim thể hiện nét đẹp văn hóa lâu đời của Bắc Ninh nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Về với Hội Lim là về với xứ sở âm thanh, thơ ca và nhạc điệu náo nức. Những tà áo tứ thân, những nón quai thao, dải yếm lụa, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mãnh liệt của vạn vật mùa xuân. Thái độ của người dân nơi đây cũng đủ để người đến tham quan bùi ngùi, lưu luyến.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hội Lim không chỉ là một lễ hội đặc trưng mùa xuân mà còn là niềm tự hào của đất nước và con người Việt Nam. Để rồi khi một lần dừng chân là cả đời nhung nhớ những giai điệu ngọt ngào, da diết:
“Làng quan họ quê tôi
Tháng giêng mùa hát hội
Những đêm trăng hát gọi, con sông cầu làng bao xanh
Làng, những làng quan họ xanh xanh..."
=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tracnghiem.vn có dàn ý để các bạn dễ viết bài.
1. Mở bài
- Giới thiệu lễ hội đặc trưng mùa xuân ( tên lễ hội, lễ hội đó diễn ra ở đâu)
2. Thân bài: Có thể giới thiệu lễ hội theo thời gian
- Nguồn gốc, lịch sử ra đời và khái quát chung về lễ hội
- Thời gian cụ thể (thời gian ấy gắn với ý nghĩa lịch sử như thế nào, gắn với nhân vật nào).
- Nguồn gốc, lí do tổ chức lễ hội (tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống hay thể hiện điều gì).
- Lễ hội được lưu giữ và phát triển như thế nào? Địa điểm tổ chức ở đâu?
- Giới thiệu các công việc chuẩn bị cho lễ hội:
- Chuẩn bị các tiết mục biểu diễn.
- Chuẩn bị trang trí lễ hội (ví dụ như chuẩn bị cho việc rước kiệu, trang trí kiệu, chọn người,…).
- Chuẩn bị về địa điểm tổ chức
- Giới thiệu lễ hội theo trình tự thời gian tổ chức. Thường lễ hội có hai phần: phần lễ và phần hội. Giới thiệu hai phần đó theo các ý
- Thời gian tổ chức
- Những đối tượng tham gia
- Hình thức diễn ra như thế nào?
- Điều đặc biệt, ấn tượng nhất của lễ hội
- Đánh giá về ý nghĩa lễ hội trong ngày xuân, ý nghĩa với người dân nơi đây và cả dân tộc
3. Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa lễ hội, tình cảm của em.