Anh/chị có ấn tượng sâu sắc với nhân vật nào, với chi tiết nghệ thuật nào trong truyện? Vì sao?.
Tác phẩm Hai đứa trẻ với những trang văn nhẹ nhàng, đã đọng lại cảm xúc trong mỗi người đọc. Mỗi nhân vật đều hiện lên với một cảm nhận về cuộc sống nơi phố huyện. Liên là một nhân vật như vậy, qua lăng kính của tâm hồn trẻ thơ, cô đã có những cảm nhận sâu sắc về cuộc sống và con người nơi cô đang gắn bó.
Giữa bấy nhiêu con người, nhà văn chỉ đi sâu vào thế giới tâm hồn của hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên. Điều mà Thạch Lam muốn nói đến hai đứa trẻ, không phải là cuộc sống vật chất, áo cơm (dẫu sao, hai em cũng được mẹ giao cho bán hàng ở một cửa hàng tạp hóa, dù nó chỉ nhỏ xíu ở phố huyện), mà chính là cuộc sống tinh thần, tình cảm của tuổi ấu thơ.
Là nhân vật trung tâm của truyện những hành động của Liên không được chú tâm miêu tả. Câu chuyện như một dòng tâm trạng của nhân vật, từ khi chứng kiến cảnh chiều xuống đến khi chuyến tàu đêm đi qua. Nỗi buồn của cô bé Liên cứ tăng tiến dần theo sự muộn dần của đêm. Khi chợ tàn và khi nhìn cảnh chiều đến, một buổi chiều êm như ru của phố huyện, lòng Liên man mác buồn mà không rõ nguyên nhân. Khi bóng đêm bao trùm phố huyện, “một đêm mùa hạ êm như nhung”, lại càng đáng sợ hơn. Cuộc sống quá buồn tẻ. Chẳng hứa hẹn một điều gì thay đổi cả. Nỗi buồn của Liên không trực tiếp thể hiện qua ngôn ngữ mà thể hiện ở ánh mắt “trong mắt chị bóng tối ngập đầy dần”, qua tâm trạng chờ đợi chuyến tàu đêm. Chị em Liên cùng những người dân phố huyện đã hàng đêm miệt mài ngồi chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua với chút hy vọng vô cùng mong manh. Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được gặp lại chút ánh sáng của những ngày còn được sống sung túc. Những người bán hàng chờ đợi khách xuống tàu dù họ vẫn biết chẳng mấy khi có khách xuống ở cái ga xép này. Chuyến tàu là nơi gửi gắm niềm hy vọng hàng đêm của họ và nó mang đến phố huyện một luồng ánh sáng mới dù chỉ trong chốc lát để họ có thể thoát ra khỏi sự yên ả đến ghê sợ của đêm. Đó là thời điểm vui nhất của chị em Liên bởi chuyến tàu là thứ ánh sáng tinh thần duy nhất để chị hồi ức lại những ngày đã qua. Qua dòng nội tâm của nhân vật có thể thấy rằng: khi miêu tả nội tâm nhân vật, Thạch Lam chú ý và có tài trong việc diễn tả những biến đổi tinh tế, những cảm nhận mơ hồ, sự pha trộn buồn vui lẫn lộn của nhân vật.
Nhà văn đã miêu tả rất chi tiết hình ảnh đoàn tàu đêm đi qua phố huyện. Bắt đầu từ xa, khi xuất hiện ánh đèn ghi phía xa xa rồi đến âm thanh “tiếng còi” vọng lại… rồi con tàu vụt qua trong giây lát, chấm nhỏ của chiếc đèn xanh rồi đêm tối lại bao bọc xung quanh. Cách miêu tả này đã diễn tả được tâm trạng chờ đợi chuyến tàu của chị em Liên và những người dân nơi đây. Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được sống lại những ngày quá khứ tươi đẹp và cũng là để thoát khỏi trong giây lát cuộc sống đơn điệu đến đáng sợ. Chuyến tàu là cứu cánh tinh thần cho những con người nơi đây.
Sống trong một nơi tăm tối, con nguời khao khát mơ về một miền ánh sáng xa xăm. Những khao khát nhỏ bé trong tâm hòn trẻ thơ thật đáng quý biết bao. Phải chăng, với chi tiết nghệ thuật đặc sắc này, Thạch Lam đã lay tỉnh những tâm hồn tàn lụi, uể oải trong cuộc sống?