Tuyển sinh năm 2022: Nên đăng ký xong nguyện vọng trước ngày 10/8

Sau hơn hai tuần Bộ GD-ĐT mở cổng tuyển sinh, hiện mới có gần 50% số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Các chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký.

Chưa xác định được ngành yêu thích

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22-7 đến 20-8, thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của bộ. Trong thời gian quy định trên, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Từ ngày 21 đến 28-8, thí sinh chốt nguyện vọng trên hệ thống. Thời gian này, thí sinh mới phải nộp tiền lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, thực tế rất nhiều thí sinh vẫn chưa đăng ký nguyện vọng lên hệ thống với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là chưa xác định được ngành, trường yêu thích nên cần suy nghĩ tiếp. Thí sinh Nguyễn Diễm Quỳnh

(TP.HCM) chia sẻ: "Vừa qua, tôi đã trúng tuyển sớm vào ba ngành ở ba trường đại học rồi nhưng hiện vẫn còn lăn tăn, không biết mình chọn ngành có phù hợp chưa. Tôi đang tìm hiểu thêm các ngành học về khoa học xã hội để đăng ký xét tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng thấy tự tin với mức điểm của mình. Nhưng dù sao tôi cũng đã đủ điều kiện trúng tuyển rồi, để suy nghĩ thêm đến gần hạn cuối rồi đăng ký nguyện vọng lên hệ thống luôn".

Thí sinh Nguyễn Mai Anh (Quảng Nam) cũng cho hay hiện đã xác định được ngành học yêu thích thuộc lĩnh vực kinh tế nhưng chưa "chốt" được trường nào để đăng ký nguyện vọng...

Có chiến thuật “rải” nguyện vọng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.

Bà Thuỷ cũng lưu ý, thí sinh cần có chiến thuật “rải” nguyện vọng đăng ký xét tuyển. “Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, nên đăng ký là nguyện vọng 1. Đồng thời không nên tập trung tất cả các nguyện vọng vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường nào”, bà Thuỷ chia sẻ.

PGS Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định dù thí sinh có khả năng trúng tuyển sớm nhiều ngành, nhiều trường ở các phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT và xử lý lọc ảo, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng.

Năm nay, sẽ không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển chính thức 2, 3 phương thức, hay 2, 3 trường ĐH khác nhau. Hiện nay, nhiều thí sinh đã biết đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh từ chối trúng tuyển.

Bên cạnh đó, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống, các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị. Do vậy, bà Thuỷ khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.

Nên đăng ký sớm trước ngày 10/8

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống và cũng là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển không cùng thời gian với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

"Vì vậy, để hệ thống không bị quá tải do thí sinh tập trung đăng ký xét tuyển vào những ngày cuối và có thời gian kiểm tra, rà soát dữ liệu, Vụ Giáo dục đại học đã đề nghị các cơ sở đào tạo, các sở GD-ĐT truyền thông và thông báo để thí sinh đăng ký xét tuyển ngay từ những ngày đầu. Sau đó thí sinh có thể điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng bất cứ lúc nào trong thời gian quy định. Thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký" - bà Thủy khuyên.

TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học - cho hay vừa qua nhiều thí sinh và phụ huynh thắc mắc việc một số trường yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống. Điều này một phần khiến thí sinh hoang mang, đắn đo chưa biết phải đăng ký nguyện vọng ra sao.

"Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh theo các phương thức xét tuyển được xử lý trên hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển. Do vậy, nếu thật sự đã yêu thích ngành, trường nào đó đã đủ điều kiện trúng tuyển thì nên sớm đặt nguyện vọng 1. Sau khi đăng ký xong, thí sinh vẫn còn được điều chỉnh lại nếu muốn thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định", ông Hùng cho biết.

Nhiều thắc mắc về cách thức đăng ký của thí sinh

Trong khi đó, bộ phận tuyển sinh nhiều trường đại học cho hay những ngày qua vẫn còn rất nhiều thí sinh thắc mắc về cách thức đăng ký nguyện vọng trên hệ thống.

TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng: "Đến nay đã quá nửa thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ, với thí sinh vẫn còn lúng túng chưa biết rõ cách thức, quy trình đăng ký trực tuyến mà cứ chờ đến những ngày cuối mới đăng ký là rất rủi ro".

Các chuyên gia tuyển sinh đều lưu ý thí sinh khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định. Sau khi đăng ký xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra các nguyện vọng đã đăng ký.

"Thí sinh lưu ý để không nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển: mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển... đặc biệt là thí sinh trúng tuyển có điều kiện phải đăng ký nguyện vọng chính xác trên hệ thống để không làm mất cơ hội trúng tuyển.
Trong quá trình đăng ký xét tuyển nếu gặp vướng mắc, thí sinh cần liên hệ với đường dây nóng về tuyển sinh để được hỗ trợ kịp thời" - ThS Trần Vũ, trưởng phòng thông tin truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - khuyên.

Xem thêm: Điểm chuẩn đại học - Chỉ tiêu các trường ĐH-CĐ năm 2022

Chia sẻ:

Bài viết liên quan

Đáp án tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2023
Môn Tiếng Anh có 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Dưới đây là danh sách đáp án 24 đề thi tốt nghiệp THPT tiếng Anh 2023
Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2023
Môn Tiếng Anh có 50 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Tiếng Anh là môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, chiều 29/6.
Đề môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT 2023
Địa lý là một trong ba môn của bài thi Khoa học xã hội, dài 40 câu với thời gian làm bài 50 phút.
Đề môn Hóa thi tốt nghiệp THPT 2023
Hoá học là một trong ba môn của bài thi Khoa học tự nhiên, dài 40 câu với thời gian làm bài 50 phút.
Đề môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT
Lịch sử là một trong ba môn của bài thi Khoa học xã hội, dài 40 câu với thời gian làm bài 50 phút.